Đa dạng hoá đầu tư là các hoạt động phân bổ nguồn vốn đầu tư của mình vào nhiều loại tài sản khác nhau thay vì một loại duy nhất nhằm đạt được mục tiêu cải thiện hiệu suất đầu tư (dựa trên các tiêu chí về lợi nhuận và rủi ro).
1. Đa dạng hoá đầu tư là gì?
Đa dạng hoá đầu tư là một phương thực phòng ngừa rủi ro trong quá trình đầu tư trên thị trường tài chính. Cụ thể, khi một nhà đầu tư thực hiện đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình, thay vì chỉ đầu tư 100 nghìn USD vào một tài sản nhất định, nhà đầu tư đó sẽ thực hiện chia số tiền 100 nghìn USD của mình vào nhiều loại tài sản khác nhau theo các tiêu chí nhất định.
Việc đa dạng hoá danh mục còn có cách gọi dân giã là “Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ”.
Có nhiều phương pháp đa dạng hoá danh mục đầu tư khác nhau tuy nhiên chúng đều cho ra một kết quả là sẽ cải thiện hiệu suất đầu tư với cùng một khoản tiền ban đầu.
Các nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng kỹ thuật đa dạng hoá danh mục sẽ khiến mức lợi nhuận bình quân trong dài hạn cao hơn và mức độ rủi ro của toàn bộ danh mục giảm đi (khi một tài sản trong danh mục giảm giá sẽ được bù đắp bởi sự tăng trưởng của tài sản khác khiến rủi ro toàn danh mục được giảm bớt).
2. Tại sao cần phải đa dạng hoá danh mục đầu tư?
Cải thiện lợi nhuận đầu tư trong dài hạn
Có một thực tế trên thị trường tài chính đó là không có tài sản nào có thể giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng ổn định trong một khoảng thời gian dài hạn. Một ví dụ điển hình có thể kể tới chỉ số S&P500, một chỉ số chứng khoán đã và đang trải qua một siêu chu kỳ tăng trưởng kéo dài hàng chục năm.
Bản thân S&P500 cũng đã là một tài sản có mức độ đa dạng hoá cao bởi chứa nhiều cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau.
Tuy vậy, trong những giai đoạn nhất định, tốc độ tăng trưởng của rổ chỉ số này cũng cho thấy dấu hiệu chậm lại. Trong giai đoạn từ 1990-2000, tốc độ tăng trưởng của S&P500 (trung bình 5 năm) đã tăng từ 10% lên tới đạt gần 30% vào cuối những năm 90. Sau đó trong giai đoạn 2000-2012, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt từ 0% đến 10%.
Khi đó đa dạng hoá danh mục sẽ giúp cho nhà đầu tư bổ sung thêm những tài sản với mức rủi ro, biến động lớn cùng với tiềm năng tăng trưởng cao hơn từ đó là cơ sở cho việc gia tăng lợi nhuận trong dài hạn.
Hạn chế được rủi ro
Khi sở hữu nhiều tài sản khác nhau trong danh mục đầu tư thì rủi ro sẽ được phân tán không còn tập trung vào một tài sản nhất định.
Một ví dụ đơn giản có thể kể tới như sau:
- So sánh một danh mục gồm 100% LUNA và một danh mục gồm 50% LUNA và 50% tiền mặt.
- Khi sự kiện LUNA sụp đổ diễn ra danh mục gồm 100% LUNA sẽ mất gần như toàn bộ giá trị trong khi danh mục còn lại vẫn còn 50%.
- Như vậy, rủi ro đã được phân tán.
Một ví dụ khác biểu thị cho lợi ích hạn chế được rủi ro khi thực hiện đa dạng hoá với phương pháp đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau. Thông thường khi rủi ro hệ thống xảy ra với một lớp tài sản nhất đinh, hầu hết toàn bộ tài sản thuộc lớp đó sẽ bị bán tháo.
Do đó khi đa dạng hoá danh mục bằng cách đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau thì sẽ tránh được rủi ro này.
3. Hạn chế của việc đa dạng hóa đầu tư
Như vậy, đa dạng hoá danh mục đầu tư mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Một danh mục gồm nhiều các loại tài sản khác nhau sẽ gây khó khăn và tốn thời gian hơn cho việc quản lý. Bên cạnh đó, có nhiều loại tài sản trong danh mục cũng sẽ khiến nhà đầu tư tốn nhiều chi phí mua/bán hơn mỗi khi rebalance danh mục.
Ngoài ra, một chi phí khác cần quan tâm khi thực hiện đa dạng hoá đó là chi phí cơ hội. Cụ thể cùng với ví dụ hai danh mục ở bên trên (một danh mục gồm 100% LUNA và một danh mục gồm 50% LUNA và 50% tiền mặt), khi giá LUNA tăng gấp đôi thì danh mục đầu tiên sẽ tăng gấp đôi giá trị trong khi đó danh mục hai chỉ tăng 50%.
Tuy vậy, lợi ích về tỷ suất sinh lời của đa dạng hoá danh mục đầu tư sẽ được thể hiện trong dài hạn. Một thực tế đã chỉ ra rằng, không có một loại tài sản cố định nào có thể giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng trong một khoảng thời gian dài (kể cả đối với S&P500, một danh mục chứng khoán đã được đa dạng hoá). Do đó, chi phí cơ hội kể trên thường sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hạn.
4. Các cách thức đa dạng hoá danh mục
Có nhiều phương pháp có thể được áp dụng để đa dạng hoá danh mục đầu tư, một trong số những cách thức phổ biến có thể kể tới như sau:
Đa dạng hoá qua nhiều lớp tài sản, đây là cách thức phổ biến nhất. Thông thường, các nhà quản lý quỹ đầu tư sẽ phân bổ nguồn vốn vào nhiều tài sản khác nhau bao gồm:
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
- Bất động sản
- Hàng hoá
- Tiền
- Các loại tài sản khác
Đối với một loại tài sản cụ thể (ví dụ như cổ phiếu), thì có thể thực hiện đa dạng hoá thông qua việc sở hữu các cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau. Hay đối với trái phiếu, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện đa dạng hoá thông qua sở hữu nhiều loại trái phiếu với thời gian đáo hạn khác nhau, hoặc do các tổ chức khác nhau phát hành (chính phủ, doanh nghiệp, …)
Tóm lại, có nhiều cách thức khác nhau có thể được sử dụng để đa dạng hoá danh mục. Tuỳ vào mục đích và điều kiện cụ thể, các nhà đầu tư có thể tiếp cận với các cách thức khác nhau để đạt được tối đa lợi ích của mình.
5. Áp dụng vào thị trường Crypto
Vậy trong thị trường crypto, chúng ta thực hiện đa dạng hoá danh mục đầu tư như thế nào? Một đặc điểm của thị trường crypto có thể kể tới đó là chịu sự ảnh hưởng nhiều từ giá của BTC.
Điều này được thể hiện rõ ràng hơn khi quan sát hệ số tương quan (correlation) giữa BTC và nhiều loại crypto khác trên thị trường. Hầu hết các Altcoin trong hình đều có hệ số tương quan lớn hơn 0.5 (biến động cùng chiều với BTC).
Hệ số tương quan là một hệ số cho thấy mức độ mạnh yếu của mối quan hệ giữa 2 biến số. Hệ số tương quan dao động trong khoảng từ -1 đến 1.
Do vậy, việc mua và nắm giữ nhiều các tài sản crypto khác nhau sẽ thu lại được ít lợi ích từ đa dạng hoá. Trên thực tế, trong những giai đoạn nhất định vẫn sẽ có những crypto không có sự tương quan với BTC thì khi đó chúng ta có thể thu được lợi ích đa dạng hoá từ việc mua và nắm giữ crypto đó.
Do đó, việc đa dạng hoá một danh mục chỉ toàn crypto sẽ phức tạp và gặp nhiều khó khăn hơn do phải liên tục theo dõi, rebalance danh mục cũng như sử dụng các công cụ khác.
Một vài chiến lược đa dạng hoá đối với thị trường crypto:
- Dựa trên vốn hoá: Chia ra và nắm giữ các tài sản thuộc nhóm Largecap, Midcap và Lowcap tuy nhiên nên hạn chế số lượng đồng nắm giữ thuộc mỗi nhóm (vì chúng có xu hướng sẽ tương quan dương mạnh với nhau khiến lợi ích đa dạng hoá giảm đi).
- Sử dụng các công cụ khác nhau: Kết hợp nhiều công cụ khác nhau như mua bán nắm giữ spot và các sản phẩm phái sinh hoặc các công cụ Yield Farming để thực hiện đa dạng hoá.
Đối với thị trường crypto, việc đánh giá xem xét danh mục đầu tư nên được thực hiện thường xuyên để đạt được hiệu quả cao nhất.
6. Tổng kết
Đa dạng hoá danh mục đầu tư là một kỹ năng cần phải có trong quá trình đầu tư của bất kỳ nhà đầu tư nào trên thị trường tài chính. Với việc áp dụng hiệu quả, đa dạng hoá sẽ cải thiện lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong dài hạn.
Tuy vậy, vẫn có một vài điểm cần lưu ý đối với các nhà đầu tư cá nhân. Đa dạng hoá danh mục đầu tư đồng nghĩa với việc sẽ yêu cầu nhiều kiến thức kỹ năng và thời gian quản lý danh mục hơn để đạt hiệu quả cao nhất