Bitcoin xanh – Thị trường xanh: Tăng lên $44,200. Trong khi đó ngày càng nhiều ông lớn tiếp cận và lấn sân sang crypto như Sequoia dẫn đầu đợt gọi vốn 450 triệu đô của Polygon. Tesla sở hữu khoảng 2 tỷ đô Bitcoin tính đến cuối năm 2021.
1. Tesla sở hữu 2 tỷ đô BTC tính đến cuối năm 2021
Theo hồ sơ chính thức cho biết hãng xe điện nổi tiếng Tesla của tỷ phú Elon Musk hiện nắm giữ khoảng 2 tỷ đô BTC vào cuối năm 2021. Trên thực tế, tổng số BTC mà Tesla sở hữu cho đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2021 được ước tính lên đến 1.99 tỷ đô. Điều này được công ty tiết lộ trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vào thứ 6 tuần trước (ngày 4 tháng 1).
Cụ thể, hồ sơ cho biết Tesla đã bán một phần số BTC nắm giữ vào tháng 3 năm 2021, với lợi nhuận thu được khoảng 128 triệu đô. Trước đó, công ty này cũng đã công bố đợt “gom hàng” Bitcoin lên đến 1.5 tỷ đô vào tháng 2 năm ngoái. Ngoài ra, Tesla cũng ghi nhận khoản lỗ 101 triệu đô do sự biến động giá BTC trong năm vừa qua.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, Tesla cũng đã bán một phần trong số BTC nắm giữ và thu về khoản lợi nhuận lên đến 272 triệu đô. Mặc dù Tesla đã loại bỏ phương thức hỗ trợ thanh toán bằng Bitcoin vì những lo ngại về tác động đến môi trường vào thời điểm tháng 5 năm ngoái, song công ty vẫn giữ lượng BTC lớn trong danh mục đầu tư của mình.
Theo dữ liệu từ kho dự trữ BTC cho thấy Tesla hiện nắm giữ số lượng khủng lên đến 43,200 BTC. Điều này đã khiến công ty trở thành công ty đầu tư Bitcoin lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau MicroStrategy với tổng lượng BTC tích lũy là 125,000 BTC tính đến ngày 31 tháng 1.
2. Sequoia nhắm tới Web3, dẫn đầu vòng gọi vốn 450 triệu đô của Polygon
Mới đây, giải pháp mở rộng quy mô layer 2 – Polygon đã huy động thành công 450 triệu đô từ nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của Web3 – xu hướng công nghệ dường như đang bùng nổ trong thời gian gần đây. Hơn nữa, Web3 cũng thu hút được mối quan tâm đông đảo từ các nhà đầu tư lớn trên thị trường crypto.
Vòng tài trợ vốn do Sequoia Capital India dẫn đầu cùng với sự tham gia của hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, bao gồm SoftBank Vision Fund 2, Galaxy Digital, Tiger Global và Republic Capital. Bên cạnh đó, nhà đầu tư kiêm tỷ phú nổi tiếng Kevin O’Leary cũng tham gia vào đợt huy động vốn này của Polygon.
Polygon sẽ sử dụng khoản tiền vừa gọi vốn được để mở rộng các giải pháp quy mô của mình, trong đó bao gồm Polygon PoS, Polygon Edge và Polygon Avail. Đồng thời nguồn vốn cũng được rót vào việc chính thức áp dụng Web3 trên nền tảng. Trước đó, dự án cũng đã đưa ra cam kết đầu tư 1 tỷ đô vào bằng chứng công nghệ zero-knowledge và các sáng kiến tương tự vậy vào tháng 11 năm 2021.
Polygon là giao thức hỗ trợ việc mở rộng mạng lưới và cung cấp cơ sở hạ tầng cho Ethereum. Nền tảng này cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong năm qua khi góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng của mạng Ethereum.
Ngoài ra, đồng sáng lập Polygon – Sandeep Nailwal cũng đã nhấn mạnh rằng bản nâng cấp được mong đợi của Ethereum khó có thể cung cấp đủ khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu của mạng lưới.
Về quá trình phát triển Web3, Polygon dường như đã nỗ lực nhiều trong thời gian qua để mở rộng mạng lưới và cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ cho các ứng dụng phi tập trung. Trước đó, dự án cũng đã bắt tay với Seven Seven Six – một công ty đầu tư mạo hiểm do đồng sáng lập Reddit – Alexis Ohanian đứng đầu, để khởi động một quỹ phát triển Web3 mới trị giá 200 triệu đô.
Vào tháng 1, quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz của Thung lũng Silicon cũng thông báo về việc đầu tư lên đến 1 tỷ đô cho các công ty startup về Web3.