Quản trị là một trong những tính năng thú vị của crypto nói chung và DeFi nói riêng. Khi mới ra mắt, quản trị được xem như tiếng nói của sự phi tập trung. Nhưng sự thật có phải vậy?
1. Chức năng quản trị của Token là gì?
Quản trị là hành động người dùng được phép bỏ phiếu cho đề xuất của dự án. Khi đề xuất đạt ngưỡng chấp nhận sẽ được thực thi, và ngược lại. Thông thường, để bỏ phiếu hay tạo đề xuất, người dùng phải sở hữu token quản trị (Governance Token) của dự án.
Governance ra đời từ rất sớm, nhưng dần được phổ biến vào khoảng năm 2020, khi DeFi được “khơi mào” bởi sự kiện Yield Farming của Compound. Quản trị lúc bấy giờ mang ý nghĩa lớn với DeFi. Nó là tác nhân chính tạo ra sự phi tập trung, nghĩa là dự án không thể bị kiểm soát bởi đội ngũ dự án, mà còn là cộng đồng.
2. Vấn đề của quản trị (Governance)
Như đã nói, quản trị giúp dự án mang hơi hướng của người dùng. Việc bỏ phiếu làm chúng ta có trách nhiệm với dự án hơn chỉ đơn giản mua token, đợi giá lên cao rồi bán. Nhưng dần dần, quản trị bắt đầu sinh ra những điểm yếu:
Trường hợp Solend
Để dễ hình dung, chúng ta xét trường hợp gần đây là sự cố Solend chiếm quyền sử dụng ví.
Việc ví bị thanh lý trong vay mượn là chuyện bình thường. Nhưng chính vì ví này gây ảnh hưởng lớn đến không chỉ Solend, mà còn Solana và người dùng khác, nên Solend mới ra đề xuất SLND1 với nội dung là: Có nên tạm thời quản lý tài sản trong ví đến khi vị thế vay an toàn hơn không?
Sau đó, hơn 97% bỏ phiếu thông qua. Điều này cũng dễ hiểu, vì để đảm bảo an toàn cho các bên, Solend có vẻ nên làm thế.
Nhưng điều kì lạ là cũng chính cộng đồng là người chỉ trích hành động này. Họ cho rằng điều này là vô lý trong DeFi khi dự án có quyền “chạm” đến tài sản người dùng. Thậm chí CZ cũng ngạc nhiên về hành động này.
Có khả năng khác, là người dùng chỉ trích và người dùng bỏ phiếu cho SLND1 là hai tệp khác nhau. Và Solend cũng lắng nghe người dùng khi đưa ra đề xuất SLND2 với nội dung chính: vô hiệu hóa SLND1 và tìm giải pháp khác.
SLND2 cũng nhanh chóng được thông qua như SLND1. Nhưng điều kì lạ là có một ví chiếm phần lớn quyền bỏ phiếu đồng ý ở cả hai đề xuất.
Tổng kết, ta thấy có các vấn đề:
- Một ví đồng ý cả 2 đề xuất, dù cho có vẻ hơi trái ngược nhau. Ai có thể đồng ý với những quyết định của Solend? Liệu đây có phải ví của dự án?
- Dù biết Solend chiếm quyền ví là quyết định vì cộng đồng. Nhưng liệu quản trị của dự án có quyền hạn can thiệp vào tài sản của một người?
- Từ hai dữ kiện trên, nghĩa là không hẳn là có giới hạn về những đề có thể đề xuất. Vậy sẽ ra sao nếu một (hoặc nhóm) người có thể đề xuất bất kì thứ gì và đồng ý cho thực thi? Nếu đề xuất quá đáng thì dự án không thực thi thì có phải vi phạm quản trị?
Ở hạn chế cuối, không phải chưa từng xảy ra. Trước đây, khi LUNC (LUNA cũ) giảm hơn một triệu lần từ ATH, đã xảy ra trường hợp nhiều người mua LUNC để tạo đề xuất. Lúc bấy giờ, Terra Station tràn ngập spam đề xuất vô nghĩa.
Hay với Boba Network – nền tảng Layer 2 của Ethereum, cũng từng có đề xuất vô lý. Ở đề xuất 3 là một câu hỏi không liên quan đến sự phát triển của Boba, hay đề xuất 2 thì phát triển, nhưng là … kêu dự án pump giá BOBA.
Việc một ví có thể nắm nhiều quyền hạn quá dễ không chỉ khiến dự án gặp rắc rối ở các đợt bỏ phiếu vô nghĩa. Nếu đề xuất hay nhưng đi ngược lại quyền lợi của nhóm này, họ cũng sẵn sàng bỏ phiếu chống. Qua đó, ta thấy những bất cập về quản trị từ khâu kiểm duyệt đề xuất đến khâu bỏ phiếu.
Trường hợp Fei Protocol
Trước sự việc Solend vài ngày, một dự án cũng dính rắc rối về quản trị, đó là Fei Protocol.
Chuyện là Fei hợp nhất với Rari Capital vào tháng 12/2021. Nhưng trước đó, Rari Capital bị hack vào cuối tháng 4/2021. Dẫn đến Fei phải dùng tiền quỹ trả nợ. Dưới đây là đề xuất trả nợ:
TIP-112 đưa ra cách thức triển khai, đã được thông qua nhưng thực thi rất chậm.
Sau đó có đề xuất hủy bỏ TIP-112.
Thậm chí Fei cũng cho thấy không muốn hỗ trợ trả nợ bằng cách lấy tiền từ PCV:
Từ đó cho thấy, đề xuất thông qua vẫn có đề xuất khác phản đối, dù rằng nếu phản đối có thể bỏ phiếu cho đề xuất trước. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu đề xuất có thật sự là mong muốn của cộng đồng? Hay phải đúng ý dự án mới được thông qua?
Trên đây có thể là những “hạt cát” trên “sa mạc” đề xuất của hàng nghìn dự án. Nhưng bấy nhiêu có lẽ cũng thấy được quản trị hiện tại chưa ổn.
3. Dự án thật sự cần Governance?
Governance giúp gì cho dự án?
Không phải lúc nào dự án cũng đi trên con đường suôn sẻ. Sẽ có lúc họ gặp khó khăn. Ví dụ như những dự án đang hoặc có dự định phát triển trên Terra, nhưng đột nhiên Terra gặp sự cố về UST.
Những dự án nếu gọi vốn từ USDT hoặc USDC thì ít thiệt hại hơn. Nhưng với các bên gọi vốn bằng UST và chưa triển khai, hiện tại phần tiền đó có lẽ không còn bao nhiêu.
Đó là lý do các dự án nên có khoảng phân bổ token cho Advisors – những người có kinh nghiệm đi trước để phát triển dự án. Họ có thể đóng góp ý tưởng phát triển, hoặc đưa ra lời khuyên khi dự án bế tắc.
Quản trị cũng có vai trò tương tự. Nhân sự quanh quẫn vài chục người trong team, dù có tài giỏi đến mấy, cũng chỉ nghĩ được đến một giới hạn. Do đó, khi cộng đồng được đóng góp ý tưởng, có thể đẩy giới hạn trên lên một mức đáng kể.
Nhưng đó là khi quyền quản trị đặt vào đúng người, và có năng lực. Hiện tại, để phát huy tối đa tính phi tập trung của DeFi, bất kì ai có token đều có thể bỏ phiếu. Những ai giàu hơn thì mua đủ số token cần thiết để tạo đề xuất. Tất cả chỉ cần có tiền là được.
Chính việc quá dễ để quản trị làm dự án khó phát triển, vì họ không thật sự quan tâm sứ mệnh, hay tầm nhìn của dự án. Cái đa phần người dùng muốn trong crypto là lợi nhuận. Nên họ cũng không quan tâm lắm đến đề xuất.
Vậy dự án có cần Governance không?
Theo mình là có, nhưng không phải theo cách hiện tại. Nếu DeFi có DeFi 2.0, có lẽ trong tương lai sẽ có Governance 2.0
Ở đó, quyền quản trị sẽ đặt ở những người thật sự muốn phát triển dự án. Những người này dĩ nhiên cũng vì lợi nhuận, nhưng họ không đơn thuần mua token một cách bị động. Họ sẽ suy nghĩ cách giải quyết vấn đề, tương tác nhiều với dự án trên mạng xã hội, hay xa hơn là lập kế hoạch ngắn/dài hạn cho dự án.
4. Phát triển dự án thế nào là đúng cách?
Rất khó để đưa ra câu trả lời đúng cho câu hỏi này. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, vẫn có thể phần nào tìm được cách giải quyết.
Ban đầu, đội ngũ nên toàn quyền quyết định dự án, hoặc có thể tham khảo ý kiến từ Advisors. Bởi vì lúc này, dự án còn non trẻ, nên không ai hiểu dự án bằng chính những người sáng lập. Việc phân quyền lúc này làm dự án bị “hòa tan” theo góc nhìn của hàng chục, hàng trăm người.
Sau đó, khi cảm thấy dự án đã đứng vững, có thể dần mở quyền quản trị cho cộng đồng. Nhưng cần có điều kiện khắc khe để lọc ra những người không thật sự vì dự án.
Vậy nếu không ai muốn tham gia quản trị, có nên thưởng token cho họ để “giáo dục” người dùng không? Trước đây, đã có vài trường hợp từng khuyến khích người dùng tham gia quản trị bằng cách thưởng token, Mirror Protocol với phiên bản V2 trên Terra là ví dụ.
Điều này giúp người dùng quen với việc quản trị hơn, nhưng đồng thời cũng gia tăng lượng bỏ phiếu vô nghĩa. Bởi vì không chỉ có “Yes” và “No”, vẫn còn lựa chọn thứ ba là phiếu trống, nghĩa là bỏ phiếu nhưng không có ý kiến.
Thực tế, không nhiều dự án làm cách này, nhưng người dùng vẫn tham gia bàn luận, bỏ phiếu về các đề xuất. Sau FUD về các nhà sáng lập, Sushi hiện đang trong tình trạng khó khăn, khi hiện không ai thật sự dẫn đầu. Nhưng trong diễn đàn, một số đề xuất từ tháng 5/2021, hoặc gần đây, có lượt bình luận tính bằng nghìn lượt.
Thậm chí ở đề xuất hợp pháp hóa Sushi, ngoài những bình luận tích cực, nhiều người có thiện chí giúp Sushi.
Sushi có được điều này là do network effect. Sushi từng là meme, và sau đó vực dậy và từng trở thành một trong những AMM chiếm thị phần lớn nhất crypto, chỉ sau Uniswap. Do đó, nếu muốn người dùng thật sự cống hiến, dự án phải xây được mạng lưới xã hội mạnh mẽ.
5. Tổng kết
Quản trị là công cụ hay, nó giúp đưa dự án đến nhiều người bằng cách cho mọi người thấy mình có phần trách nhiệm trong việc phát triển dự án. Nhưng với trạng thái hiện tại, quản trị dễ bị lạm dụng cho những hành vi không tốt. Do đó, có lẽ cần thời gian dài để thấy quản trị trở nên hữu ích.