Interactive NFT là các NFT cho phép người dùng tương tác với chúng theo cách này hay cách khác. Không giống như các NFT hiện tại chỉ có thể mua và giữ, với Interactive NFT người dùng sẽ có nhiều cách sử dụng khác nhau, từ đó giúp tăng khả năng kết nối giữa người dùng và NFT của họ.
NFT đã mở ra một cánh cửa mới cho thế giới nghệ thuật và sưu tầm truyền thống, đồng thời cho phép mọi người tương tác với các tài sản ảo của họ theo những cách mà trước đây chưa từng có. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thị trường NFT đang bắt đầu bão hòa và cần một lực đẩy để tiếp tục bùng nổ.
Sự ra đời của các Interactive NFT có thể sẽ tạo ra một biên giới mới trong bối cảnh nghệ thuật trải nghiệm, nhưng Interactive NFT là gì và chính xác thì chúng hoạt động như thế nào? Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về Interactive NFT.
1. Interactive NFT là gì?
Interactive NFT là các NFT cho phép người dùng tương tác với chúng theo cách này hay cách khác. Không giống như các NFT hiện tại chỉ có thể mua và giữ, với Interactive NFT người dùng sẽ có nhiều cách sử dụng khác nhau, từ đó giúp tăng khả năng kết nối giữa người dùng và NFT của họ.
Trong một số trường hợp, tương tác có thể liên quan đến việc sử dụng NFT trong một trò chơi: như Ethermon – cho phép người dùng chiến đấu với các sinh vật giống Pokemon trong Metaverse. Các Interactive NFT khác, giống như những NFT phổ biến trên các nền tảng hiện nay, cho phép các nhà sưu tập mua một layer duy nhất của NFT và thay đổi layer đó theo ý muốn. Các layer này cũng có thể tự thay đổi để phản ánh những thứ như chu kỳ ngày và đêm.
CryptoKitties là một ví dụ điển hình về một dự án Interactive NFT ban đầu. Trong CryptoKitties, bạn có một tùy chọn “lai tạo” hai chú mèo NFT với nhau để tạo ra một chú mèo mới. Việc lai tạo hai CryptoKitties không chỉ tạo ra một NFT mới ngẫu nhiên, độc đáo, mà nó còn mang lại cho người dùng cơ hội cảm thấy mình là một phần của dự án.
Sau CryptoKitties, các dự án Metaverse như Decentraland và CryptoVoxels tiếp tục xây dựng và phát triển Interactive NFT. Trong không gian metaverse này, người dùng có thể mua và bán các mảnh đất NFT, tổ chức sự kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh để thu lợi nhuận trên nó và gần như bất cứ điều gì khác mà bạn có thể nghĩ đến. Nó không chỉ là một tài sản kỹ thuật số thông thường mà bạn mua và hold, mà còn cho phép bạn phát triển, xây dựng, tạo ra giá trị liên tục dựa trên nó. Điều này đã mang đến cho người dùng nhiều cách tương tác với NFT và thế giới blockchain hơn họ có thể tưởng tượng.
2. Bối cảnh NFT hiện tại
Sau hơn 3 năm ra đời và phát triển, hệ sinh thái NFT hiện đã dần hoàn thiện hơn với nhiều mảnh ghép đa dạng, kéo theo đó là sự tăng trưởng vượt bậc về mặt quy mô của thị trường này.
Đồ thị dưới đây cho thấy toàn bộ vốn hóa thị trường của NFT đã tăng từ khoảng gần $50 triệu vào năm 2018 lên hơn $300 triệu vào cuối năm 2020.
Ở thời điểm hiện tại, tổng vốn hóa thị trường của NFT đã là $27 tỷ. Điều này cho thấy sức nóng của NFT vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề của thế hệ NFT hiện tại cũng bắt đầu dần bộc lộ.
- Bão hòa: Các dự án mới liên quan đến NFT ra đời hầu như mỗi ngày, mỗi dự án lại sở hữu hàng nghìn NFT khác nhau. Mặc dù chúng đẹp và có thể mang lại giá trị, tuy nhiên thị trường lúc này gần như đã bão hòa. Từ quan điểm của các nhà sưu tập cũng như các nhà đầu tư, việc lựa chọn một NFT tốt để mua vào lúc này thực sự rất khó khăn, giống hệt như mò kim đáy bể khi không biết NFT nào thực sự giá trị và có tiềm năng lợi nhuận lâu dài.
- Thanh khoản thấp: Tính thanh khoản của NFT phải nói là đặc biệt kém, phần lớn NFT hiện đang trong tình trạng không ai mua. Điều này đem đến một rủi ro không nhỏ cho những người sở hữu chúng.
- Thiếu tính khả dụng: Hiện nay đa phần các NFT được xây dựng trên Ethereum với chi phí khởi tạo cao và giá không phải là rẻ. Tuy nhiên sau đó đa số các NFT này lại ở trong tình trạng nhàn rỗi, đặc biệt là các NFT trong lĩnh vực nghệ thuật. Bạn không thể làm gì ngoài việc trữ nó trong ví của mình, treo nó trên các nền tảng giao dịch chờ người mua hoặc đầu cơ NFT. Tuy nhiên với thanh khoản kém, việc mua đi bán lại NFT khá khó khăn, gây ra tình trạng chôn vốn của nhà đầu tư.
Như vậy, sự ra đời của Interactive NFT để khắc phục những vấn đề trên là hoàn toàn hợp lý. Hiện đã có một vài dự án phát triển theo hướng này và thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng người dùng.
3. Các loại Interactive NFT
Interactive NFT cơ bản
Đây là một thể loại NFT khá thú vị mới được phát triển thời gian gần đây với các đặc tính của NFT sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách người dùng tương tác với nó.
Ví dụ: Dự án CryptOrchids cho phép người dùng tương tác với các NFT dưới dạng các loài cây có độ hiếm khác nhau. Để có được hạt giống cây, trước tiên bạn cần phải tự mình đúc một token ERC721. Sau đó, bạn sẽ phải tưới nước cho nó trong một khoảng thời gian cố định mỗi tuần đến khi nó ra hoa, nếu không cây sẽ chết.
Điều này yêu cầu bạn phải liên tục tương tác và theo dõi cây hoa NFT của mình, chăm sóc từ khi nó còn là hạt giống đến khi nó trưởng thành và tạo ra giá trị. Các CryptOrchids có hoa có thể được mua bán tự do trên OpenSea cho đến khi chúng chết.
Interactive NFT Gaming
Blockchain game kết hợp với NFT chắc chắn không còn xa lạ gì với người dùng tiền điện tử, hiện vẫn là một trong những trend nổi bật nhất hiện nay và tạo ra doanh thu không hề nhỏ cho các dự án thuộc lĩnh vực này.
Có thể nói, thị trường NFT gaming đang phát triển rất nhanh và khá sôi động, là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của chúng khi người dùng có thể tương tác nhiều hơn với các NFT mà mình sở hữu. Một số dự án nổi bật ở mảng này có thể kể đến như Axie Infinity, Star Atlas, Thetan Arena, Cyball,…
Interactive NFT x DeFi
Thời gian gần đây, một vài dự án DeFi đã bắt đầu triển khai việc ứng dụng NFT trên nền tảng của họ theo nhiều cách khác nhau và nhận được phản hồi tích cực từ phía người dùng. Các Interactive NFT trong không gian DeFi không chỉ làm tăng tính khả dụng của chúng mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập thụ động, tương tác với nền tảng và thu hút người dùng mới vào DeFi.
Ví dụ:
- Orca cho phép người dùng staking NFT để nhận token ORCA của dự án.
- Zapper claim NFT cho người dùng khi họ tham gia thực hiện các nhiệm vụ nhất định. Số NFT đó có thể được sử dụng để chế tạo NFT cấp cao hơn. Cấp bậc NFT càng cao thì ưu đãi chủ sở hữu nhận được càng lớn.
4. Cách Interactive NFT hoạt động
Tương tự như tất cả các NFT thông thường khác, Interactive NFT tồn tại trên một blockchain. Hầu hết chúng dựa vào smart contract của Ethereum, mặc dù các blockchain khác cũng hỗ trợ. Smart contract được sử dụng để theo dõi các yếu tố độc đáo của NFT và cho phép chủ sở hữu thay đổi các yếu tố nhất định.
Ví dụ: Nếu một dự án được thiết kế để cho phép bạn “thăng cấp” một nhân vật bạn đã mua và sau đó bán nhân vật đó ở “cấp độ” cao hơn bạn đã mua, smart contract có thể sẽ là thứ lưu trữ những “cấp độ mới này”.
Ngoài ra, yếu tố độc nhất và quyền sở hữu của một Interactive NFT cũng được công khai và có thể được xác minh thông qua blockchain bởi bất kỳ ai. Cho dù tệp gốc là JPG, MP3, GIF hay thứ gì khác, người dùng cũng hoàn toàn có khả năng truy xuất nguồn gốc và lịch sử giao dịch của NFT mình sở hữu.
5. Cơ hội đầu tư Interactive NFT
Tìm kiếm những dự án Interactive NFT tiềm năng
Về bản chất, Interactive NFT là một nhánh nhỏ của ngành công nghiệp NFT và hiện đã có một vài dự án tập trung phát triển nó. Tương tự như việc đầu tư vào các dự án thông thường, bạn có thể tìm kiếm các dự án trong mảng game, metaverse,…, vốn rất cần tới NFT và hiện chưa có token. Sau đó tương tác với nền tảng để tăng cơ hội tham gia retroactive nếu có.
Ngoài ra, với các dự án đã có Interactive NFT, hãy lưu ý lựa chọn những dự án đáng tin cậy và có lộ trình phát triển cũng như kế hoạch ứng dụng NFT rõ ràng.
Đầu tư vào các nền tảng Interactive NFT
Vấn đề với các NFT là thanh khoản kém. Dù Interactive NFT được ra đời để khắc phục nhược điểm này, nhưng nó mới chỉ ở giai đoạn đầu và giống như DeFi 2.0, không ai có thể chắc chắn về tương lai của trend này.
Do vậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng blockchain hỗ trợ Interactive NFT có vẻ là một cách tiếp cận hợp lý hơn.
Một dự án nền tảng Interactive NFT khá nổi bật hiện nay là DareNFT. Dự án này nhắm tới mục tiêu đổi mới giao thức NFT hiện tại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng NFT vào cuộc sống thực, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các NFT và giảm rủi ro sở hữu chúng.
Sản phẩm đầu tiên của DareNFT là DarePlay – một nền tảng GameFi bao gồm launchpad dành cho các blockchain game không phải NFT, dịch vụ IGO, Rent-to-Earn và Lease-to-Earn marketplace cho các vật phẩm NFT trong trò chơi.
6. Tương lai của Interactive NFT
Giá trị lớn nhất của Interactive NFT không nằm ở bản thân NFT, mà nằm ở việc nó trao quyền cho các thực thể hoặc hệ thống khác. Việc tăng khả năng sử dụng và ứng dụng Interactive NFT phù hợp sẽ giúp tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực và là công cụ tuyệt vời để thu hút người dùng đến với dự án.
Sau thông báo về Zapper Quests & NFT Season 2, số MAU (người dùng hàng tháng) của Zapper đã tăng gấp 10 lần. Nền tảng Orca với sự ra mắt của NFT staking cũng đã tạo nên một cơn sốt trong hệ sinh thái Solana và giúp dự án phát triển rất nhiều cả về TVL lẫn số lượng người dùng.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, Interactive NFT cũng đã bắt đầu tạo ra những dấu ấn nhất định. Vào ngày 08/05/2021, bản nhạc cổ điển có thể lập trình đầu tiên trên thế giới mang tên “Betty’s Notebook” của dàn hợp xướng Verdigris Ensemble ở Dallas, Texas đã được bán đấu giá trên Async Art – một nền tảng blockchain đấu giá nghệ thuật kỹ thuật số. Metapurse, quỹ NFT lớn nhất thế giới, đã chiến thắng với mức giá $215,989 (tương đương 56,56 ETH). Cuộc đấu giá này đã mang lại hơn $375,000 tổng doanh thu cho Verdigris Ensemble và phá vỡ kỷ lục của Async Art cho một lần bán NFT.
Betty’s Notebook chỉ là bước khởi đầu cho việc ứng dụng Interactive NFT vào lĩnh vực âm nhạc. Với các nghệ sĩ như Grimes, Eminem và 3lau đã thể hiện sự quan tâm đến Interactive NFT, không thể nói trước được xu hướng này cuối cùng sẽ đi xa đến đâu.
Rõ ràng, sức hấp dẫn của NFT vẫn còn đó, nhất là khi giờ đây người dùng có thể làm được nhiều việc thú vị hơn với NFT của họ.
Nhìn chung, Interactive NFT và tiềm năng ứng dụng của nó chắc chắn vẫn là mảnh đất màu mỡ đối với những ai am hiểu và biết cách đầu tư.
7. Tổng kết
Interactive NFT chỉ là một khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên chúng vẫn đang phát triển từng ngày, cùng với công nghệ thực tế ảo hứa hẹn sẽ mang đến một sân chơi mới cho những người sáng tạo. Một thế giới như Oasis trong Ready Player One hay Digimon có thể gần với thực tế hơn chúng ta từng mơ ước và Interactive NFT sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá này.