Cuộc đua giữa các dự án Layer 1 hay còn gọi là dự án nền tảng chưa hề có dấu hiệu dừng lại ngay cả trong thị trường downtrend. Với sự tham gia của những builder mới, nhà đầu tư sẽ đón nhận một làn sóng blockchain Layer 1 trong năm 2022.
Layer 1 là một nền tảng mạng lưới cung cấp các cơ sở hạ tầng. Những Layer 1 này thường sẽ đi kèm với cả một hệ sinh thái được xây dựng trên đó. Điển hình của làn sóng DeFi năm 2020-2021 đó là những cái tên như Ethereum (ETH), Binance Chain (BNB) và Solana (SOL)…
Hay nói cách khác, Layer 1 là một thành phần không thể thiếu, là môi trường để các dự án có thể hoạt động trên đó. Do đó, những đồng coin của các dự án Layer 1 luôn là sự lựa chọn được các nhà đầu tư cân nhắc đầu tiên khi tham gia vào thị trường crypto.
1. Layer 1 war trong năm 2021
Solana, Polygon, Near, Avalanche, Polkadot… đều là những dự án đem về lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư trong năm 2021. Bắt đầu từ Bitcoin, Ethereum đến thời điểm hiện tại, thị trường đã có khoảng 50 dự án Layer 1 blockchain. (Theo CoinGecko).
Một số dự án như Binance Chain, Polygon… thì chạy máy ảo EVM (Ethereum Virtual Machine) với tính tương thích cao với Ethereum. Một số dự án khác thì tự khai phá hướng đi mới với mục đích “hạ bệ ông vua” Ethereum.
Mặc dù các dự án có thiết kế khác nhau để phục vụ các mục đích đặc biệt nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là thu hút người dùng sử dụng nền tảng của mình.
Kể từ 2020, nhiều Layer 1 khác nhau như Near, Polygon, Avalanche… xuất hiện để tranh giành thị phần với Ethereum. Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 30/7), thị phần của Ethereum chỉ còn 65% so với 95% vào tháng 10 năm 2020.
Khi quá nhiều đối thủ xuất hiện, một cuộc chiến đã nổ ra giữa các dự án Layer 1 để tranh giành “miếng bánh” thị trường. Nhiều chiến thuật đã được đưa ra, nổi bật nhất chính là việc tung ra các gói hỗ trợ phát triển hệ sinh thái.
Những gói hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD đã được đưa ra nhằm thu hút thêm nhiều nhà phát triển đến để xây dựng các ứng dụng trên nền tảng của các Layer 1. Nổi bật nhất là Binance Chain (1 tỷ USD), Hedera (5 tỷ USD), Elrond (1.29 tỷ USD) và Near (800 triệu USD).
Ngoài ra, chiến lược marketing còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Đa phần các dự án nền tảng hàng đầu hiện nay đều nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ các nhân vật nổi tiếng cho giới crypto. Trong đó, có thể kể đến Vitalik Buterin với Ethereum, Changpeng Zhao với Binance Chain hay Sam Bankman-Fried với Solana, Andre Cronje với Fantom…
Giao kèo về “SOL 2$” vẫn còn được nhiều người nhớ đến tận hiện tại. Cụ thể, nhà sáng lập FTX đã cược với một trader 10 nghìn USD rằng SOL sẽ tăng lên hơn 2 USD vào tuần tiếp theo.
2. Làn sóng blockchain Layer 1 mới trong năm 2022
Tuy nhiên, nhìn vào một hướng khác, đây vẫn còn là một thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư. Bắt đầu từ năm 2022, một loạt các dự án mới đã ra mắt với tiêu điểm là Aptos và Sui đã đẩy cuộc đua Layer 1 lên một tầm cao mới.
Aptos và Sui Blockchain đều là những dự án Layer 1 theo cơ chế đồng thuận proof-of-stake được xây dựng bởi đội ngũ đến từ Meta (công ty mẹ của Facebook). Aptos được xây dựng bởi dàn nhân sự cũ của Diem Blockchain trong khi Sui được hỗ trợ bởi Mysten Labs đến từ Novi Research, một bộ phận của Meta.
Với bối cảnh đó, Aptos và Sui Blockchain đã trở thành chủ đề bàn luận của cộng đồng crypto trong thời gian vừa qua. Nhiều người cho rằng hai dự án này sẽ thay đổi cuộc chơi hiện tại.
Không chỉ các nhà đầu tư mà những nhà phát triển dự án cũng đã bắt đầu chú ý đến hai dự án này. Trong tháng 7, hàng loạt các dự án trên Solana như Solrise, Pontem, Few cha Wallet… đã di chuyển sang Aptos.
“Cơ sở hạ tầng của Aptos đang phát triển mạnh. Một số dự án đã bắt đầu xây dựng trên Move (công nghệ của Aptos và Sui sử dụng).”, một tài khoản twitter tên là “Mr Ame” cho biết.
Một tài khoản khác trên Twitter có tên gọi “kamikaz_ETH” rất lạc quan về nền tảng mới này khi ngay cả nhân vật chủ chốt của Solana cũng đã đầu quân cho Aptos. Cụ thể, vào ngày 19/7, Austin, trước đó là Trưởng Bộ phận Marketing của Solana đã gia nhập Aptos với vị trí Giám đốc Hệ sinh thái.
Aptos Labs đã huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do FTX Ventures dẫn đầu. Vòng gọi vốn này đã nâng định giá dự án này lên 2 tỷ USD.
Nhiều người đã dự đoán Sui và Aptos sẽ vượt qua Solana cũng như các layer khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần nhiều thời gian hơn để đánh giá về hai dự án này.
“Tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu khả năng để Aptos và Sui nhanh hơn Solana, phi tập trung hơn và bền vững hơn trong khi cả hai dự án đều chưa hoạt động chính thức.”, một tài khoản Twitter với tên gọi “HenryE” nhận định.
Cả hai dự án đều chưa đi vào hoạt động và hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, Aptos và Sui đều có những chương trình incentive (khuyến khích) người dùng thử nghiệm chạy node để có cơ hội nhận phần thưởng trong tương lai.
Ngoài ra, một số dự án đã bắt đầu xây dựng trên Aptos. Đây cũng là một cơ hội để nhà đầu tư có thể săn Airdrop khi trở thành người dùng đầu tiên của các dự án này.
Trong thời gian gần đây, một số ứng dụng như DyDx, sàn giao dịch phi tập trung trên Layer 2 hay Synapse, dự án làm về cầu xuyên chuỗi cũng bắt đầu xây dựng blockchain để phục vụ nhu cầu của riêng mình.
Hay Aura Network là một nền tảng Layer-1 blockchain tập trung phát triển và mở rộng mảng NFT, tối đa hóa việc sử dụng NFT trên các ngành công nghiệp khác nhau. Mới đây, dự án đã triển khai token AURA trên sàn giao dịch Baryon vào ngày 30/7.
Chắc hẳn trong thời gian tới sẽ còn nhiều Layer 1 khác xuất hiện. Điều này sẽ làm cho Layer 1 war trong chu kỳ tới sẽ càng sôi động cũng như tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.