Nhiều anh em mới tham gia thị trường tiền điện tử thắc mắc về thực hư xây dựng một nguồn thu nhập thụ động từ việc chạy Masternode. Hay đầu tư vào Masternode sẽ nhân tài khoản của anh em lên nhiều lần. Vậy Masternode là gì? Master node có điểm gì khác biệt so với các node thông thường? Hãy cùng Lia tìm hiểu toàn tập về thuật ngữ này thông quan bài viết dưới đây nhé!
- 1. Masternode là gì?
- 2. Cách hoạt động của Masternode
- 3. Lợi ích và rủi ro của Masternode
- 4. Làm sao để trở thành Masternode ?
- 5. Điểm khác biệt giữa Masternode Vs. Staking
- 6. Một số câu hỏi thường gặp về Master node
- Master node có làm token tăng giá?
- Có nên đầu tư vào Master node coin hay không?
- Cần làm gì khi bắt đầu tham gia khởi chạy Master node?
- Chạy Masternode có thể kiếm được bao nhiêu tiền?
- 7. Tổng kết
1. Masternode là gì?
Masternode là một full nodes đảm nhiệm chức năng sắp xếp, xác thực các giao dịch trên mạng lưới blockchain. Nhắc đến Master node thường là máy chủ hoặc máy tính có cấu hình cao, được sử dụng để quản trị hệ thống thông qua việc biểu quyết. Từ đó giúp các hoạt động trong blockchain diễn ra với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Được tạo ra vào năm 2014 bởi dự án Dash (DASH), Master node được vận hành theo thuật toán Proof of Service, giải quyết những hạn chế mà Proof of Work còn gặp phải và chia tách các thợ đào (miners) nhằm đạt được sự đồng thuận phân tán trên nền tảng blockchain.
Gần 6 năm sau, thị trường Masternode đã đạt giá trị hơn 1 tỷ đô với hơn 160 đồng coin áp dụng Masternode cho mạng lưới blockchain.
Lưu ý: Không phải blockchain nào cũng có Masternode. Anh em có thể kiểm tra các đồng Masternode tại đây.
2. Cách hoạt động của Masternode
Tương tự như các full nodes trong mạng lưới blockchain, Master node có thể được điều hành bởi bất kỳ ai. Tuy nhiên, để đảm bảo không bị hacker tấn công một cách dễ dàng thì các nền tảng này đều sở hữu một hình thức bảo mật chặt chẽ. Cụ thể, nếu muốn đáp ứng điều kiện chạy Master node cần phải cam kết hoặc thế chấp một lượng coin/token nhất định.
Chính vì vậy ít có trường hợp người điều hành Master node gian lận bởi họ là người sở hữu cổ phần và điều khiển toàn bộ mạng lưới blockchain. Nếu sự cố gian lận xảy ra trên hệ thống thì người này có khả năng bị trừng phạt dưới hình thức phá giá HODLings của chính họ.
3. Lợi ích và rủi ro của Masternode
Trên thực tế, Master node vừa đem lại nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư lẫn dự án song cũng tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra.
Lợi ích
Đối với người vận hành Master node
Việc trở thành một Master node trên mạng lưới có thể giúp nhà đầu tư có thể kiếm về những khoản lợi nhuận nhất định. Những người vận hành Master node sẽ được nhận các phần thưởng khối vì đã góp phần cung cấp các tính năng, dịch vụ trong hệ thống.
Các phần thưởng này được tặng dựa trên số lượng Master node của nền tảng và giá trị của coin/token tại thời điểm đó. Đồng thời chúng có thể được phân phối một hoặc nhiều lần trong một ngày, tùy thuộc vào mỗi blockchain khác nhau.
Ngoài ra, Master node cũng được xem là một cơ chế điều tiết nguồn cung lượng tiền được điều phối ra thị trường, đóng vai trò giống như một ngân hàng trung ương. Song điểm khác biệt của Master node đó là chúng hoạt động một cách phi tập trung mà không phụ thuộc vào bất kỳ bên trung gian nào.
Đối với dự án
Master node tham gia vào việc vận hành mạng lưới blockchain, giúp bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công mạng như PoS (Proof of Stake). Hơn nữa, hình thức node này có khả năng giữ chân các thợ đào bởi các Master node thường sẽ chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động của mạng POW đầu tiên, góp phần kiểm soát các thợ đào nếu xuất hiện động thái muốn chi phối các phần thưởng khối.
Bên cạnh đó, Master node còn được đánh giá cao bởi tính linh hoạt, giải quyết được nhiều hạn chế gặp phải ở Proof of Work. Các node này hoạt động phi tập trung, đồng thời tiêu tốn ít năng lượng từ đó giúp tạo ra sự ổn định bền vững cho mạng lưới.
Rủi ro
Khởi chạy một Master node sẽ đem lại nhiều cơ hội kiếm tiền và phát triển mạng lưới blockchain nhưng cũng có khả năng gây ra những rủi ro sau:
Đối với dự án: Vì chỉ có một lượng Master node nhất định có quyền xác thực giao dịch có hợp lệ hay không nên mạng lưới sẽ nhìn có vẻ mang tính tập trung hơn.
Đối với người vận hành Master node:
- Có thể đối mặt với nguy cơ mất trắng nếu nhà đầu tư gặp phải các dự án scam hoặc không thoát hàng nhanh chóng trước khi dự án sụp đổ.
- Có nguy cơ thua lỗ vì tình trạng lạm phát của token sẽ đẩy giá token biến động mạnh. Đây là điều không ai có thể lường trước được.
4. Làm sao để trở thành Masternode ?
Các blockchain áp dụng Master node thường sẽ luôn cố định một lượng Master node trong mạng lưới. Nếu số lượng này đã đủ thì các nhà đầu tư cần chuẩn bị trước một số điều kiện và chờ đến lúc được bầu chọn trở thành Master node.
Đối với mỗi dự án thì yêu cầu để trở thành một Master node là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cần đáp ứng một số điều kiện tối thiểu như sau:
- Nhà đầu tư phải nắm giữ một lượng coin/token nhất định.
- Server máy chủ ổn định và có IP tĩnh.
- Có thể hoạt động 24/7 mà không bị tác động bởi bất kỳ lý do nào.
Một khi đã trở thành Master node thì nhà đầu tư sẽ được nhận lại phần thưởng cho việc tham gia vào quá trình xác minh mạng lưới.
Ví dụ: Để trở thành một Master node trong blockchain của Dash thì nhà đầu tư cần phải sở hữu 1,000 DASH token.
Hay là với TomoChain, mạng lưới này sẽ có cố định 150 Master node và điều kiện tối thiểu để làm một Master node đó là nắm giữ 250,000 TOMO.
Hơn nữa người vận hành cũng cần thêm một server đủ mạnh cùng với IP tĩnh và máy chủ này không được ngắt quãng.
5. Điểm khác biệt giữa Masternode Vs. Staking
Nhiều anh em hỏi rằng, việc nắm một lượng đồng coin nhất định chả khác gì với việc staking hay sao? Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Masternode và Staking?
Bản chất việc anh em chạy một Masternode là một hình thức staking, nhưng khó tiếp cận hơn.
Bởi vì:
- Nếu anh em staking thì chỉ cần để coin ở trong ví và nhận thưởng mỗi ngày không cần quan tâm quá nhiều đến việc kỹ thuật như thế nào.
- Thì đối với Masternode, anh em cần: khóa một lượng coin có giá trị khá cao (không được di chuyển ra khỏi ví) và một máy chủ server đủ mạnh, hoạt động liên tục không bị ngắt quãng.
Chỉ riêng việc nắm một lượng coin có giá trị cao thôi cũng đã là một rào cản khá lớn cho số đông.
Vì thế, Masternode có thể nói được dành cho những người holder có ý định nắm giữ đồng coin đó trong một thời gian dài. Đồng thời, họ cũng muốn mạng lưới được an toàn và phát triển.
6. Một số câu hỏi thường gặp về Master node
Master node có làm token tăng giá?
Xét về thời gian ngắn hạn, Master node có thể góp phần đẩy giá token tăng lên. Tuy nhiên trong thời gian dài hạn thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được điều này.
Bởi lẽ ban đầu Master node sẽ chịu trách nhiệm điều phối giúp giảm nguồn cung của token đó. Theo lý thuyết về quy luật cung cầu thì khi cung giảm, cầu tăng hoặc không đổi thì giá tất nhiên sẽ tăng.
Song để giá một token tăng trong dài hạn và được đẩy lên cao hơn nữa sẽ cần sự tác động tích cực của nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó có thể kể đến các yếu tố dưới đây:
- Lạm phát: Khi Master node được khởi chạy một thời gian có thể sinh ra lạm phát, tức là các phần thưởng dành cho người vận hành ngày càng tăng cao. Điều đó dẫn đến lượng token tăng cao, nếu nhu cầu sử dụng token không cao hơn mức lạm phát có thể đẩy giá token lao dốc.
- Tầm nhìn và năng lực của dev: Nếu đội ngũ phát triển dự án chỉ vạch ra roadmap mà không nỗ lực thực hiện chúng thì có khả năng sẽ khiến dự án thất bại.
- Hệ sinh thái của dự án: Một hệ sinh thái rộng lớn, phát triển bền vững thì việc sử dụng token sẽ được áp dụng nhiều hơn. Từ đó sẽ đẩy cầu tăng cao hơn theo thời gian.
- Cộng đồng hỗ trợ: Đối với bất kỳ dự án nào cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng cần chú ý đến và Master node cũng không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy việc xem xét về mức độ hỗ trợ của cộng đồng đối với dự án là điều cần thiết.
Có nên đầu tư vào Master node coin hay không?
Như mình đã đề cập ở trên, để trở thành một Master node đòi hỏi bạn phải đáp ứng nhiều điều kiện nhất định. Chính vì vậy việc đầu tư vào khởi chạy một Master node có lẽ sẽ phù hợp với những người có mức vốn lớn và giàu kinh nghiệm trong không gian crypto này. Từ đó họ sẽ biết cách chọn đúng coin để chạy Master node.
Còn đối với những bạn là người mới, theo mình nghĩ việc vận hành Master node sẽ trở nên khó khăn hơn để kiếm lợi nhuận vì bạn chưa có nhiều trải nghiệm, đồng thời sở hữu số vốn chưa thực sự lớn. Do đó, bạn có thể xem xét tham gia các hình thức như IEO hoặc trade coin để có thể kiếm về khoản lãi một cách đơn giản hơn.
Cần làm gì khi bắt đầu tham gia khởi chạy Master node?
Để bắt đầu vận hành một Master node, bạn có thể xem xét những điều sau nhằm thực hiện quá trình này một cách hiệu quả và đạt được mục đích lợi nhuận.
- Nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về đội ngũ Dev của dự án bởi họ chính là những người quan trọng quyết định đáng kể đến “sự sống còn” của dự án. Xem xét Dev có thực thi giống như roadmap họ đã đề ra hay không sẽ giúp bạn quyết định được liệu đó có phải là nền tảng phù hợp để đầu tư vào.
- Tìm hiểu đầy đủ các thông tin về dự án qua các social media của dự án như Twitter, Telegram, Discord,…
- Chú ý về tỷ suất lợi nhuận và cân nhắc phần trăm chia phần thưởng cho các Master node.
Chạy Masternode có thể kiếm được bao nhiêu tiền?
Tùy thuộc vào từng dự án và các yếu tố khác nhau mà khoản lợi nhuận kiếm được cũng khác nhau đối với các Master node. Bởi vậy nên không thể ước tính một cách chính xác số tiền mà bạn có thể kiếm được từ việc vận hành một Master node.
Hơn nữa trong quá trình khởi chạy các node này, giá token có thể biến động, tăng hoặc giảm nên mức lợi nhuận có lẽ cũng sẽ thay đổi theo thời gian.
Điều quan trọng là bạn hãy lựa chọn một dự án coin phù hợp để đầu tư vào việc chạy một Master node, đồng thời xem xét về tỷ suất lợi nhuận so với vốn ban đầu bỏ ra để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trên thực tế, trên thị trường crypto có nhiều dự án cho phép bạn chạy Master node nhưng không phải tất cả trong số đó đều đảm bảo sẽ mang lại khoản lợi nhuận tiềm năng. Thậm chí các phần thưởng quá ít dẫn đến việc thua lỗ và không đủ để bù đắp những chi phí bỏ ra.
7. Tổng kết
Tóm lại, Masternode là một trong những yếu tố quan trọng trong mạng lưới blockchain và có thể được khởi chạy bởi bất kỳ ai chỉ cần đáp ứng được những điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, Master node cũng mang lại những khoản lợi nhuận tiềm năng cho người vận hành thông qua các phần thưởng mà dự án đưa ra. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần xem xét những rủi ro có thể gặp phải khi muốn trở thành một Master node của nền tảng nào đó.
Như vậy, với những kiến thức XGems đã chia sẻ ở trên, hi vọng bạn đọc có thể hiểu rõ nét hơn về bản chất của Masternode cùng cách hoạt động cũng như vai trò của chúng trong mạng lưới blockchain.