Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem nền kinh tế trong gamefi là gì? và nó hoạt động như thế nào?. Ngày nay, mức sống của người Việt Nam ngày càng cao, do đó nhu cầu giải trí cũng ngày càng được nâng cao về mặt chất lượng. Trong đó, Game là một trong những mảng giải trí nhận được sự quan tâm lớn nhất với giá trị được ước tính khoảng 136 triệu USD (tương đương khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng). Gần đây thì game blockchain (NFT) Play to earn cũng đang nổi lên và phát triển mạnh vì vừa có thể giúp chúng ta giải trí và cũng có thể kiếm thêm được thu nhập từ đó, ví dụ như dự án game nổi tiếng gần đây của Việt Nam đó là Axie Infinity, hoặc các Game NFT nổi tiếng khác.
1. Nền kinh tế trong game
Hiểu một cách đơn giảm, kinh tế trong game cũng giống như một nền kinh tế ngoài đời thực thu nhỏ. Có thể gọi nền kinh tế đó là một vòng lặp (Core Loop). Vòng lặp này được xác định qua việc tiêu thụ các vật phẩm và dịch vụ được hệ thống game cung cấp, và tiền trong game là đơn vị trao đổi chính cho hệ thống cung-cầu này. Đối với game Blockchain thì tiền sẽ được tính và quy đổi ra token game hoặc các đồng tiền đại điện trong game. Ngoài ra các nhân vật, vật phẩm trong game NFT đều được thể gắn các NFT để tạo tính minh bạch.
Core Loop là gì?
Core Loop đóng vai trò cực kì quan trọng, nó được xem như xương sống và yếu tố quyết định việc thành hay bại của sản phẩm game. Dù là game truyền thống hay game NFT thì Core Loop vẫn là yếu tố quyết định độ hấp dẫn và giúp duy trì game.
Core Loop là những hành động mà người chơi sẽ thực hiện lặp đi lặp lại trong toàn bộ vòng đời game. Nếu Core Loop không được thiết kế một cách chắc chắn để trở nên thân thiện với người chơi, họ sẽ cảm thấy nhàm chán, sau cùng họ sẽ bỏ game và xóa ứng dụng Game
Các thành phần của Core Loop
Trong hầu như tất cả mọi dòng game kể cả game NFT, Core Loop được cấu thành từ ba phần chính:
- Hành động (ACTION): Người chơi thực hiện một hành động cốt lõi – thường được gọi là Core Gameplay.
- Phần thưởng (REWARD): Người chơi được tặng thưởng bằng tiền tệ trong game, token. Hình thức khen thưởng và đơn vị có thể thay đổi theo tiến trình chơi hoặc các chế độ chơi khác nhau.
- Tiến trình (PROGRESS): Người chơi sử dụng phần thưởng của họ để đạt được một mục tiêu nào đó (nâng cấp nhân vật, mở khóa nhân vật mới, mua sắm trang bị, khám phá những vùng đất mới…).
Vật phẩm, NFT trong game
Đối với các game truyền thống thường thì các vật phẩm sẽ được đội ngũ game làm ra một cách ồ ạt, ít kiểm soát về số lượng, và số lượng những vật phẩm cũng không được công khai. Điều này làm cho giá trị vật phẩm bị lạm phát, không còn giá trị khi bán ra.
Ngược lại, các vật phẩm game blockchain đều được định dạng như một NFT và số lượng, hình dạng, độ hiếm của các NFT này đều được công khi từ bạn đầu. Người chơi, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra được NFT đó thuộc về ai và được mua bán như thế nào với mức giá bao nhiêu. Điều này làm cho game NFT được minh bạch hơn, hấp dẫn hơn và quan trọng hơn là các vật phẩm NFT này sẽ không bị lạm phát mà vẫn giữ được giá trị. Hơn nữa nếu như có nhiều người chơi tham gia vào tựa game đó các NFT sẽ tăng lên khi có nhiều người chơi muốn sở hữu.
Dòng tiền trong game sẽ được sinh ra dựa vào hai hình thức đầu tư chính đó là tài sản và tiêu sản, chắc hẳn mọi người thường nghĩ điều này chỉ diễn ra ở đời sống hiện tại. Nhưng trên thực tế các tài sản trong game cũng chia ra làm 2 yếu tố chính như vậy nếu chúng ta để ý hơn.
- Tài sản: Người chơi bỏ vốn ban đầu ra để đầu tư cho một loại hàng hóa hoặc dịch vụ trong game. Từ đó, họ kiếm lại được tiền từ việc đầu tư này. Một số ví dự như: Người chơi đầu tư cho nhân vật thông qua việc nâng cấp trang bị, họ đem nhân vật này đi chiến đấu tại chức năng đấu Trường và dành được chiến thắng. Từ đó họ nhận được tiền và một số vật phẩm, NFT có giá trị, những vật phẩm này họ có thể quy đổi ra được token hoặc tiền mặt. Hơn nữa khi bạn đầu tư cho nhân vật mạnh hơn thì thời gian làm các nhiện vụ cũng sẽ nhanh hơn so với thông thường, khoảng thời gian cũng có thể tính là thời gian lao động.
- Tiêu sản: Người chơi bỏ tiền ra đầu tư cho một hàng hóa hoặc dịch vụ trong game và việc đầu tư này không thu lại được “tiền” hoặc nhiều giá trị thực. Đương nhiên việc này có thể mang lại một số giá trị khác. Nhưng cách đầu tư này không tạo ra vòng lặp cho dòng chảy của đồng tiền. Hay nói cách khác, nó không mang lại giá trị bền vững. Chúng ta có thể lấy một số ví dự như: Người chơi game thường mua các trang sức, đồng phục đẹp mắt mà nó không giúp cho nhận vật mạnh hơn. Hoặc trang trí các nông trại, nhà, căn phòng,… giúp nó trở nên bắt mắt hơn, việc đầu tư này có giá trị tinh thần hơn là giá trị về vật chất, nhưng nó cũng giúp cho người chơi cảm thấy thoải mái hơn và hưng phấn hơn khi chơi game, điều này cũng khá tốt nếu như bạn chơi game với mục đích giải trí.
2. So sánh Ưu điểm-Nhược điểm
Game blockchain
Ưu điểm:
- Vừa chơi vừa kiếm tiền (Play-To-Earn): Khi chơi game NFT thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra sẽ không lãng phí nếu như đó là một tựa game đủ tốt giữ được giá trị của game cũng như các vật phẩm trong game. Play-to-earn vừa chơi vừa kiếm tiền theo đúng nghĩa: Chúng ta có thể sử dụng được các phần thưởng khi hoàn thành nhiện vụ để mua các NFT nâng cấp các tính năng cho tài khoản của bạn, hơn nữa bạn cũng có thể quy đổi các phần thưởng đó ra token game, sau đó có thể bán token đó trên các sàn Dex để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là một trong những yếu tố chính để thu hút được thêm nhiều người mới tham gia vào game.
- Giữ được giá trị NFT: Tất cả các vật phẩm, nhân vật NFT đều được công khai và giới hạn số lượng nhất định từ ban đầu vì vậy những NFT này sẽ không bị lạm phát về giá trị, nếu càng nhiều người tham gia vào game thì số lượng NFT so với người chơi càng ít đi, điều này giúp cho giá các NFT có thể tăng được giá trị của mình. Ngoài ra người chơi cũng được phép trao đổi mua bán vật phẩm một cách minh bạch mà không cần biết đối phương là ai.
- Có thể cho thuê NFT: Có một tính năng khác cũng khá hay trên game NFT đó là bạn có thể cho thuê nhân vật của mình nếu bạn không có thời gian chơi, hoặc bạn chưa sử dụng tới nhân vật đó. Điều này giúp cho những người chơi khi chưa đủ tài chính có thể tham gia vào chơi game, họ chỉ cần bỏ ra một khoản phí nhỏ để thuê lại nhân vật từ người cho thuê, từ đó họ có thể hoàn thành các nhiệm vụ và tích luỹ thêm nguồn tài chính để tự mình có thể sở hữu được các nhân vật. Bên cạnh đó điều này cũng giúp những người muốn trải nghiệm, tìm hiểu về game có thể tận dụng điều này để trải nghiệm game với mức chi phí thấp nhất có thể.
- Giá trị người dùng cao: Đối với những game thông thường hiện nay người dùng hoàn toàn có thể tải về chơi miễn phí và không mất khoản phí chơi ban đầu, nhưng đối với các tựa game NFT hiện nay để có thể tham gia vào chơi game thì bạn cần phải bỏ ra một khoản phí nhất định mua các nhân vật NFT, điều này vô tình vừa là ưu điểm và cũng là nhược điểm của game. khi bạn buộc phải bỏ tiền ra để chơi thì giá trị tài khoản được đánh giá cao hơn những tựa game miễn phí, điều này giúp cho game có thể giữ chân người chơi được tốt hơn.
- Người chơi có tiếng nói hơn: Đối với game NFT những người chơi có tiếng nói hơn so với các game truyền thống, người chơi khi sở hữu các token game họ có thể tham gia vào biểu quyết các tính năng game, bạn có thể đồng ý hoặc phản đối nếu như bạn cảm thấy điều đó không có lợi cho việc phát triển game, tất nhiên quyết định sẽ dựa theo số đông nhưng điều này cũng giúp cho người chơi cảm giác được sự hiện diện của mình trong game, đồng thời cũng giúp các nhà phát hành game có thể hiểu hơn người chơi muốn gì.
- Tặng thưởng trực tiếp: Nếu bạn trở thành một streamer cho một tựa game NFT bạn có thể nhận trực tiếp các khoản thưởng, quà tặng từ người xem tới tài khoản, ví cá nhân của bạn mà không cần qua một bên trung gian nào bạn sẽ không phải mất một khoản phí cho phần thưởng đó.
- Cơ hội cho nhà phát triển game: Sẽ là cơ hội cho miếng bánh lớn, mảng game NFT hiện tại vẫn còn rất sơ khai và chưa có nhiều ông lớn trong lĩnh vực game truyền thống tham gia vào, vì vậy đây vẫn còn là một miếng bánh mở chưa có người sở hữu.
- Không phụ thuộc vào bên thứ 3: Đối với game NFT thì mọi người trên toàn thế giới có thể tham gia mà không bị giới hạn về quốc gia, vùng lãnh thổ, ch-play hoặc apple store,…
Nhược điểm:
- Cần chi phí ban đầu: Người chơi nếu muốn tham gia Game thì cần phải bỏ ra một khoản chi phí ban đầu, đối với những bạn muốn trải nghiệm game thì họ thường không muốn bỏ ra một khoản phí ban đầu. Ngoài ra những người chơi là những bạn học sinh, sinh viên cũng rất khó để họ có thể tham gia.
- Khó tiếp cận: Ngoài việc tốn phí ban đầu làm cho người chơi khó tiếp cận được game, thì các vấn đề như tạo ví, kết nối ví, mua token, mua NFT để tham gia game cũng khiến cho những người mới rất khó để tham gia vào thị trường game này.
- Tính giải trí chưa cao: Hiện tại đồ hoạ game NFT còn kém đa phần là ở dạng 2D, tính chất giải trí còn thấp chưa hấp dẵn, điều này làm cho người chơi nhanh chán game, đặc biệt đối với những người chơi có nhu cầu giải trí hơn là kiếm tiền thì điều này không thể đáp ứng được như cầu của họ.
- Ý tưởng game chưa đa dạng: Các tự game NFT hiện còn rất sơ sài, hầu hết mô hình kinh tế trên game NFT gần giống nhau, một số bên chỉ thay đổi đồ hoạ và cách hoạt động để tạo ra một tựa game khác. điều này làm cho cộng đồng khó phát triển lớn hơn.
- Dễ bị tạo thành mô hình ponzi: Việc các vật phẩm NFT tăng giá khi có người mới tham gia vào điều này khá tốt cho người chơi từ trước đó, nhưng vô tình những người tham gia vào sau phải trả thêm một khoản phí khá cao để có được các NFT. Vô tình nó tạo thành một mô hình ponzi người sau trả tiền người trước, và khi không còn người sau tham gia thì game rất bị mất đi giá trị
- Dễ bị scam: Việc dễ có thể tạo ra được một mô hình game đơn giản trên Blockchain giúp cho một số kẻ xấu có thể lợi dụng để tạo ra một game scam, sau đó họ chạy quảng cáo, thuê một số người có ảnh hưởng để PR nhằm thu hút cộng đồng, từ đó có thể chiếm doạt tài sản từ người chơi. Điều này tạo ra một tiền lệ xấu, làm cho cộng đồng mất niềm tin vào các tựa game khác, ảnh hưởng tới các dự án tốt.
- Vấn đề bảo mật: Để tạo ra một tựa game NFT thì không chỉ là vấn đề đồ hoạ, mô hình game, tính giải trí…. như game truyền thống. vấn đề bảo mật cũng khá quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới tài sản người chơi. Chỉ cần một lỗ hổng có thể quấn đi rất nhiều tài sản trong game, ví dụ gần đây như việc game Axie Infinity bị hacker tấn công, lấy đi lượng tiền điện tử trị giá hơn 600 triệu USD.
Game truyền thống
Ưu điểm:
- Pay-to-Win: Đối với một nhà đầu tư thì việc bỏ tiền ra đầu tư mà không thu hồi được vốn thì đó là thất bại. Nhưng nếu bạn là người có tiền và khao khát chiến thắng, chinh phục, khao khát mình là người dẫn đầu thì chắc hẳn bạn không còn quan tâm tới số tiền mình đã bỏ ra nữa. Ở các tự game hiện nay bạn chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là bạn có tạo ra và sống trong những cảm xúc đó.
- Tiếp cận dễ: Hầu hết các tự game hiện nay trên thị trường đều hoàn toàn miễn phí, người chơi chơi có thể tiếp cận dễ dàng nhanh chóng
- Tính giải trí cao: Đồ hoạ của game khá tốt, các nhân vật, vật phẩm đa dạng, mô hình game quấn hút người chơi. Điều này giúp cho người chơi có cảm giác rằng mình đang hoá thân vào nhân vật trong game, giúp cho người chơi giảm căng thẳng và giúp điều trị trầm cảm,….
- Nhiều lựa chọn: Người chơi có thể nhiều lựa chọn các tựa game khác nhau
Nhược điểm:
- Tính khép kín: Đa phần các game hiện tại đều áp dụng hình thức nạp để “Win”, dòng tiền đổ vào hầu như chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận cho nhà phát triển.
- Khoá các tính năng mua bán: Đa số các dòng game cũ đều khóa giao dịch của người chơi mà chỉ cho phép mua hoặc nhận trang bị hiếm từ sự kiện. Điều này làm mất đi tính tự do, và các vật phẩm kiếm được trong game cũng sẽ không có giá trị
- Vật phẩm không minh bạch: Nhà phát hành game họ tạo ra rất nhiều các vật phẩm giống nhau và hấp dẫn người chơi, khiến cho người chơi muốn sở hữu các vật phẩm đó nhưng các vật phẩm này thường không có giá trị sau khi người chơi mua nó.
- Người chơi không có tiếng nói: Những người chơi game gần như không có tiếng nói trong game, mọi quyết định đều do nhà phát hành đưa ra.
- Vòng đời game ngắn: Các tựa game thường có vòng đời ngắn khi không thể hút thêm được người chơi mới, từ đó sẽ không thể có thêm được kinh phí duy trì game.
- Phụ thuộc vào bên thứ 3: Đối với các tự game mobile thì phải dựa vào apple store hoặc adroi để phát hành game, và phải trả một khoản phí lên tới 15% cho các nền tảng này. Hơn nữa nếu game vi phạm các quy tắc của nền tảng, họ có thể xoá ngay game đó.
3. Thách thức đối với GameFi
Chúng ta có thể thấy khi thị trường crypto tăng trưởng mạnh thì có rất nhiều dự án game NFT được tạo ra, nhưng hầu hết các tựa game này đều bị bỏ rơi sau một thời gian phát hành, điều này do mô hình game chưa đủ tốt, nhà phát hành game chưa thể kiểm soát được sự lạm phát giá các NFT và người chơi hầu hết chơi với mong muốn kiếm tiền chứ chưa có người chơi mang tính giải trí như vậy giá trị thực sự của game đã mất đi. Và thị trường Cryto còn quá phụ thuộc vào giá của Bitcoin, khi thị trường giảm mạnh sẽ khiến cho người chơi rời bỏ thị trường, bỏ game.
Ngoài các nhược điểm của game NFT đã nếu ở trên thì các nhà làm game truyền thống cũng chưa muốn chuyển mình để tham gia vào game NFT, vì miếng bánh mảng game truyền thống còn quá lớn bản thân các nhà công ty game cũng chưa thể khai thác hết được tiềm năng đó, vì vậy họ chưa có ý muốn bỏ lại miếng bánh lớn đang ăn dở để tham gia vào miếng bánh khác, chưa biết miếng bánh đó có vị ngọt hay đắng. Ngoài ra các nhà làm game NFT hầu hết là những đơn vị trong thị trường Cryto và chưa có nhiều kinh nghiệm trong mảng kinh doanh game, ngược lại thì các nhà làm game truyền thống thì lại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực Blockchain. Điều này cũng làm cho Game NFT chưa thể phát triển tốt được.
Hơn nữa các game NFT dù chưa thực sự phát triển những nó cũng làm ảnh hưởng tới thị phần game truyền thống, vì vậy các ông lớn trong ngành game họ cũng không dễ dàng để cho các game NFT tự do phát triển, họ sẽ tìm mọi cách để kìm hãm sự phát triển này. Điều này sẽ làm cho các dự án game NFT khó mà phát triển được.
4. Tổng kết
Trên đây là bài chia sẻ về những điều mà mình hiểu được đối với nền kinh tế gamefi. Ngoài ra nhờ vào việc chơi game NFT mọi người sẽ cần tìm hiểu cách dùng các ví cryto, điều này vô tình sẽ là bàn đạp để giúp mọi người tìm hiểu thêm về lĩnh vực blockchain, một lĩnh vực vô cùng tiềm năng cho tương lai. Điều đó sẽ giúp mọi người tạo thêm được các cơ hội cho chính bản thân mình.