Sự kiện hiện đang được quan tâm nhất trong thời gian này là xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine bên cạnh lạm phát liên tục tăng cao, kéo theo đó chuỗi suy giảm kéo dài của thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường crypto.
- 1. Xung đột Nga – Ukraine và tác động đến thị trường tài chính thế giới
- 2. Góc nhìn từ thị trường crypto
- 3. Quản lý vốn như thế nào khi thị trường đang bất ổn?
- Không nên quá vội vã khi đưa ra quyết định
- Chia vốn hợp lý
- Tái cân bằng danh mục đầu tư
- Luôn dự phòng 20% – 30% USDT
- Thiết lập quỹ khẩn cấp
- 4. Tổng kết
Trước diễn biến của Nga và Ukraine cũng như kinh tế thế giới, nhà đầu tư đều có khuynh hướng thắt chặt túi. Vậy làm sao để quản lý vốn thời kỳ bất ổn này?
Sự kiện hiện đang được quan tâm nhất trong thời gian này là xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine bên cạnh lạm phát liên tục tăng cao, kéo theo đó chuỗi suy giảm kéo dài của thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường crypto.
Trước diễn biến khó lường của cuộc xung đột này cũng như kinh tế thế giới trong thời kỳ suy thoái, các nhà đầu tư đều có khuynh hướng thận trọng và thắt chặt túi để tránh thất thoát tài sản.
Nếu bạn lo lắng chiến sự có thể ảnh hưởng đến khoản đầu tư của mình, hãy cùng điểm qua một vài mẹo quản lý nguồn vốn hiệu quả nhé.
1. Xung đột Nga – Ukraine và tác động đến thị trường tài chính thế giới
Bối cảnh cuộc xung đột
Tháng 12/1991, Nga, Ukraine cùng Belarus tách khỏi Liên Xô và xây dựng các quốc gia độc lập riêng. Dù vậy, các nước này vẫn có sự ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt.
5 năm sau, Ukraine tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của Nga và mong muốn gia nhập NATO (North Atlantic Treaty Organization – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên vấn đề này đã gây ra nhiều mâu thuẫn và xung đột trong chính nội bộ Ukraine.
Dựa trên những bất ổn đó, năm 2014, Nga đã tiến hành can thiệp chính trị và quân sự vào Ukraine bằng việc hậu thuẫn Lực lượng Ly khai, đồng thời thực hiện các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế của đất nước này sa sút. Để chấm dứt giao tranh, Ukraine đã phải ký 1 thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2015. Bất chấp điều đó, các nước NATO vẫn liên tục viện trợ vũ khí, máy bay, tên lửa,… cho Ukraine, gây đe dọa đến sự an toàn của Nga.
Để ngăn chặn việc Ukraine gia nhập NATO và đưa nước này trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình, ngày 24/2/2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhắm vào quốc gia láng giềng. Đây được xem như cuộc khủng hoảng lớn nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay.
Trước hành động này của Nga, các nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt. Cùng với việc Tổng thống Nga đề cập tới khả năng răn đe hạt nhân, bối cảnh vĩ mô càng trở nên bất ổn hơn bao giờ hết
Hậu quả thị trường tài chính toàn cầu đang phải gánh chịu
Ngay khi xung đột xảy ra, nhiều hàng hóa quan trọng của nền kinh tế như dầu mỏ, khí đốt, lương thực đã chứng kiến sự gia tăng phi mã của giá cả trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh tỷ trọng xuất khẩu của Nga đang ở mức cao. Nga hiện là một trong số những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới.
Mặc dù phía Mỹ đã cam kết sẽ hạn chế các biện pháp trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng, cũng như phía Nga cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu từ EIA, từ ngày 24/2 đến nay, giá dầu thô vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, nếu xung đột không sớm kết thúc, giá dầu có thể vượt qua mức $120/thùng trong thời gian tới. Nếu giá dầu chạm đến $150/thùng, lạm phát toàn cầu có thể tăng gấp đôi lên mức 7%.
- Giá khí đốt cũng chứng kiến mức tăng cao nhất từ năm 2005 đến nay: 62%, trong khi giá điện hợp đồng tương lai ở Đức cũng tăng kỷ lục 58%.
- Bên cạnh nhiên liệu, giá các loại mặt hàng thiết yếu khác như như lúa mì, ngô,… cũng được dự báo tăng từ 20 – 30%.
- Các sản phẩm xây dựng, bao bì, ô tô, pin xe điện,… cũng được dự báo sẽ tăng giá trong thời gian tới khi Nga đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu niken, nhôm,…
Lạm phát cao sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Oxford Economics dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay, giảm so với mức 4% đã được dự báo trước khi xảy ra xung đột.
2. Góc nhìn từ thị trường crypto
Đối với thị trường crypto, cuộc xung đột này cũng tác động rất nhiều đến giá của các loại tài sản tiền điện tử. Có vẻ tâm lý các nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng và chờ đợi những tin tức tiếp theo về tình hình chiến sự.
Cụ thể, vào ngày 24/02, sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh đưa quân vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, BTC đã trượt về mức $34,000 và hàng loạt lệnh thanh lý nổ ra (tổng giá trị gần $400 triệu) trong vòng 24h.
Tuy nhiên ngay sau đó, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục với cú tăng giá bất ngờ ngày 01/03. Hiện tại, giá BTC đang lình xình quanh khu vực $40,000 sau tin tức tích cực là FED nâng lãi suất 0.25% như dự tính của cả thị trường sau khi Mỹ đạt mức lạm phát 7.9% (mức cao nhất trong 40 năm).
Ngoài ra lý giải về việc tăng giá này, trang Fast Company nhận định các lệnh trừng phạt đang được áp dụng lên Ngân hàng Trung ương Nga. Cụ thể là động thái loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đã khiến Nga gặp khó khăn trong việc giao dịch với các tổ chức tài chính và làm đồng RUB của Nga mất giá.
Vì thế, không chỉ người dân Nga, nhiều công dân các quốc gia khác cũng bắt đầu tìm tới các loại tài sản có khả năng lưu trữ giá trị ổn định hơn, không bị chính phủ kiểm soát. Đồng thời có thể giúp họ dễ dàng chuyển ra nước ngoài, trong đó có tiền điện tử.
Trong khi đó, nhờ tính chất xuyên biên giới, chống kiểm duyệt và phi chính phủ của tiền điện tử, Ukraine đã tranh thủ được các khoản tài trợ quốc tế bằng tiền điện tử, trong đó phần lớn là BTC và ETH mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Như vậy có thể thấy, nếu chiến sự vẫn tiếp tục kéo dài, một số loại tiền điện tử, đặc biệt là BTC, được dự đoán sẽ trở thành tài sản trú ẩn an toàn thay thế cho vàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên đó là đối với BTC. Còn đối với các đồng coin khác trên thị trường, nhiều khả năng đây sẽ là quãng thời gian không mấy tích cực do có rất nhiều đồng coin chỉ mang tính chất đầu cơ và không có tầm nhìn dài hạn. Lúc này, một chiến lược đầu tư tập trung vào sự an toàn và quản lý nguồn vốn thật tốt sẽ giúp bạn đảm bảo được lợi nhuận trong khoảng thời gian sắp tới.
3. Quản lý vốn như thế nào khi thị trường đang bất ổn?
Không nên quá vội vã khi đưa ra quyết định
Mối quan tâm của cả Nga và Ukraine đối với tiền điện tử, cộng với việc khi giá vàng, nhiên liệu và lương thực tăng vọt đã biến tiền điện tử thành một loại tài sản trú ẩn tốt hơn, khiến thị trường crypto có sự phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. Thị trường có dấu hiệu tích cực không có nghĩa là xu hướng dài hạn của nó trở lại thành tăng ngay lập tức hoặc trong quá trình tăng thì vẫn luôn có những cú điều chỉnh cực sâu.
Một ví dụ gần nhất chính là khi BTC đạt ATH tại vùng $65,000 đã có một đợt chốt lời cực lớn đẩy giá về retest vùng $28,000. Đợt thanh lý này đã khiến hàng nghìn trader ra đi cùng lượng volume thanh lý 1 ngày lên tới hơn $1 tỷ. Nhưng sau đó giá Bitcoin cũng trở lại hồi phục nhanh chóng và lại tạo ATH tiếp theo ở mức $69,000.
Lúc này, chỉ cần một tin tức hay một biến động nhỏ cũng có thể khiến giá quay đầu đảo chiều. Do vậy, việc đưa ra các quyết định tài chính và quản lý dòng tiền một cách quá vội vã có thể khiến mọi công sức cũng như tiền bạc của bạn sẽ trở nên công cốc.
Chia vốn hợp lý
Dù có bất ổn kinh tế – chính trị hay không, bạn nên chia nhỏ số vốn của mình để đầu tư định kỳ. Ví dụ là hàng tháng trong vài năm thay vì rót hết vào mua một đồng coin đang có giá tốt ngay lập tức. Điều này giúp bạn phân tán và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, trước khi mở bất kỳ một lệnh nào, bạn cũng nên tính toán rủi ro cho nó. Ví dụ bạn muốn mở một vị thế long BTC. Dựa trên các chỉ báo phân tích kỹ thuật, bạn xác định rằng lệnh chốt lời sẽ chênh lệch 75% và lệnh cắt lỗ sẽ là 25% so với giá vào lệnh của bạn. Tỷ lệ R:R là 1:3, vì vậy nếu vị thế của bạn trị giá $2000, bạn sẽ có nguy cơ mất $500 cho khoản lợi nhuận tiềm năng $1,500.
Ngoài ra, hãy nhớ tuyệt đối không được đầu tư bằng các khoản đi vay mượn. Nguy cơ gia tăng lạm phát có thể khiến khoản nợ của bạn lãi mẹ đẻ lãi con và đẩy bạn vào tình trạng vỡ nợ nhanh chóng.
Một ví dụ đơn giản chính là việc vay Vàng: Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 được niêm yết theo giá Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI được niêm yết ở mức 55,40 – 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, so với giá đỉnh điểm những ngày vừa qua ở mốc 76.5 triệu đồng một lượng thì nhà đầu tư đi vay Vàng để đầu tư đã lỗ hơn 20 triệu 1 lượng, chưa nói đến các khoản đầu tư lãi hoặc lỗ).
Tái cân bằng danh mục đầu tư
Bối cảnh bất ổn kinh tế – chính trị như hiện nay có thể là thời điểm tốt để bạn tái cân bằng lại danh mục đầu tư của mình nếu bạn chưa làm như vậy.
Bạn hãy phân chia nguồn vốn đầu tư sao cho thật khoa học, tập trung chủ yếu vào các đồng coin top, coin tiềm năng và hạn chế bỏ vốn vào những đồng shitcoin, coin mới nổi, vốn hóa thấp,… Nguyên nhân là bởi bạn không thể biết được những đồng coin này sẽ bốc hơi lúc nào cùng với số tiền đầu tư của bạn.
- Coin top: Bạn có thể dành từ 30% – 40% nguồn vốn của mình để đầu tư vào các loại coin top, có vốn hóa lớn và có chỗ đứng trên thị trường như BTC, ETH, BNB,…
Mặc dù khả năng mang lại lợi nhuận của các đồng coin này không quá lớn nhưng chúng lại có tính ổn định cao và ít biến động dù cho thị trường có điều chỉnh sâu. Cho dù có thể bị giảm giá do tin tức hay tình hình kinh tế – chính trị thì chúng vẫn có cơ hội tăng giá lại. Những coin này sau một thời gian dài tính bằng năm thì lợi nhuận cũng không hề thua kém những coin tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Ví dụ là BTC hoặc ETH, nếu bạn mua 1 trong 2 ở thời gian 2020 thì tới nay mức tăng trưởng đã là x3 x4 thậm chí đỉnh điểm còn x10. Đó là chưa kể nếu bạn có đu đỉnh ngay ATH thì khoản lỗ của bạn hiện nay với 2 coin này cũng chỉ ở mức 30-40% so với mốc giá cao nhất mọi thời đại. (Thấp hơn rất nhiều nếu bạn đầu tư coin low cap hoặc shitcoin)
- Coin tiềm năng: Bên cạnh coin top, bạn cũng có thể dành 20% vốn để đầu tư vào những đồng coin tiềm năng cho dù chúng chưa on top ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên bạn cần phải nghiên cứu thật kỹ và chắc chắn những coin đó thực sự có tiềm năng trong tương lai.
Minh chứng cho việc này chính là sự bùng nổi của coin hệ sinh thái trong 2021 – 2022. Tất cả các coin nền tảng mới như SOL – MATIC – AVAX – FTM – BNB… đều có những cú tăng ấn tượng cân cả porfolio nhà đầu tư cho dù vốn ban đầu không nhiều.
Đơn cử nếu đầu tư $1,000 vào SOL lúc hệ sinh thái này nổi như cồn ở Việt Nam (SOL nổi bật ở Việt Nam từ các mốc giá $0.6 – hơn $1) thì chỉ sau 1 năm ở mốc ATH tài khoản bạn có thể lên tới $200k. Tất nhiên không chắc bạn hold được tới đó nhưng không có nghĩa là không ai làm được.
Luôn dự phòng 20% – 30% USDT
USDT luôn là đồng coin bình ổn giá quyền lực nhất thị trường crypto. Giá trị của nó được neo vào đồng USD và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bối cảnh bất ổn như xung đột Nga – Ukraine hiện nay. Trong trường hợp thị trường giảm sâu, bạn có thể sẽ cần đến USDT để bảo toàn lợi nhuận.
Như bạn có thể thấy, cho dù thị trường đi lên hay đi xuống thì vốn hoá USDT cũng luôn nằm trong top 5 và rất cần mỗi khi thị trường biến động. Ngoài USDT thì năm qua USDC – UST cũng là những stablecoin phát triển mạnh mẽ.
Nắm giữ stablecoin trong mọi trường hợp giúp bạn nắm bắt được những cơ hội hiếm có, nhất là khi thị trường biến động mạnh hoặc cần có USD để DCA hoặc bắt đáy coin.
Thiết lập quỹ khẩn cấp
Ngoài USDT, tiền mặt cũng là một giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên để dành ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt của mình để thiết lập quỹ khẩn cấp, dự phòng cho những bất trắc có thể xảy ra. Để tính toán số tiền cho quỹ, bạn hãy xem lại các khoản sinh hoạt phí của mình trong 4 tháng vừa qua rồi lấy mức trung bình, nhân với 6 là ra kết quả.
Đây là trường hợp xấu nhưng rõ ràng, không ai nói trước được bất kỳ chuyện gì trong đầu tư. Khi cả thế giới gần như chắc chắn Nga sẽ không tấn công Ukraine bởi tác hại của nó quá lớn cả về kinh tế, chính trị và có thể tạo ra cuộc đại chiến mới thì Nga lại nổ súng.
Chúng ta chẳng thể chắc chắn rằng đại dịch Covid sẽ hoàn toàn kiểm soát được trong bao lâu khi 2019 gần như không ai nghĩ sẽ có hàng triệu người thiệt mạng, bao nhiêu vùng bị lockdown và hoàn toàn tê liệt kinh tế, mất việc tràn lan khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng.
4. Tổng kết
Trước những cuộc đàm phán không hồi kết giữa Nga và Ukraine, thị trường crypto liên tục đảo chiều và chưa xác định xu hướng rõ ràng. Việc chúng ta cần làm có lẽ vẫn là quan sát để tìm ra cơ hội đầu tư nhưng không nên quá sa lầy, nên tỉnh táo quản lý vốn chặt chẽ phòng mọi trường hợp rủi ro bởi còn tiền mới còn cơ hội cho tương lai. Cuộc sống ổn định và đảm bảo tâm thái tỉnh táo đánh giá thị trường cũng là yếu tố rất quan trọng mà một nhà đầu tư nên biết và nên làm.