Cuối tháng 6/2022, CEO Solana Labs đã cho ra mắt sản phẩm điện thoại Solana với mức giá $1,000.
1. Solana Mobile là gì?
Solana Mobile (hay Saga) là điện thoại chạy hệ điều hành android và sẽ được hỗ trợ bởi các Solana Mobile Stack SDK để giúp các lập trình viên dễ dàng phát triển các ứng dụng.
Các thông số cơ bản của Solana Mobile sẽ như sau:
- Giá: 1,000 USD, sẽ được pre-order với mức đặt cọc 100 USD tại sự kiện Solana Mobile.
- Màn hình: Kích thước – 6.69 inches, màn Oled
- Dung lượng: Bộ nhớ 512GB và ram 12GB
- Chip: SnapDragon 8+ Gen1 Mobile Platform
- Bảo mật: Sẽ được tích hợp các yếu tố bảo mật (chống lại điểm yếu mã nguồn mở của Android)
2. Solana Mobile Stack (SMS) là gì?
Solana Mobile Stack là một hệ sinh thái các sản phẩm sẽ đồng hành cùng Solana Mobile.
Các thành phần chủ chốt sẽ bao gồm 4 yếu tố chính:
- Seed Vault – Giải pháp lưu trữ mật khẩu/passphrase trong một phần mềm bảo mật và trong một môi trường thực thi ⇒ giúp việc ký các giao dịch nhanh chóng dễ dàng.
- Mobile Wallet Adaptor – Bộ chuyển đổi để giúp việc kí các giao dịch được gửi từ các ứng dụng lên hệ điều hành Android.
- Solana Dapps Store – Kho chứa các ứng dụng phi tập trung để người người tải về miễn phí.
- Solana Pay – Dịch vụ thanh toán nhanh của Solana.
Ngoài ra, để hỗ trợ các lập trình viên dễ dàng xây dựng các ứng dụng trên Solana Mobile, đội ngũ Solana đã chuẩn bị sẵn các bộ SDK hay Solana mobile stack SDK. Đây là bộ công cụ và phần mềm phục vụ cho việc phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm của Solana trên Solana Mobile.
SDK của SMS được xây dựng như các khung mẫu được tuỳ chỉnh cho phù hợp và chuyên dụng với ngôn ngữ coding công nghệ blockchain của Solana như Rust C, C++
3. Lí do ra mắt Solana Mobile
Web3 đang hoạt động ở một không gian không thân thiện với người dùng
Thực trạng hiện tại của các ứng dụng Web3 hoạt động dưới dạng các trang web/ứng dụng chỉ ở trên browser là chủ yếu.
Việc người dùng bình thường có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng trên thị trường đòi hỏi một lượng kiến thức nhất định về blockchain. Chừng đó những khó khăn đã đủ khiến họ mệt mỏi trong việc trải nghiệm thêm các sản phẩm dù nó có hay đến mấy.
Một số dự án đang yêu cầu người dùng đăng nhập các ví cho mỗi lần sử dụng trên các trang web ⇒ Điều này cực kỳ bất tiện cho những người dùng nhiều ví và thậm chí gặp trường hợp các ví gặp vấn đề xung đột trong code lẫn nhau trên cùng 1 trình duyệt khi sử dụng nhiều ví ở các chains khác nhau.
⇒ Ảnh hưởng trải nghiệm người dùng vì khiến họ gặp khó khăn trong việc truy cập các ứng dụng.
Xuất phát từ nhu cầu thiết yếu
Mọi giải pháp phải bắt nguồn từ vấn đề của người dùng.
Ý nghĩ về việc triển khai Saga và Solana Mobile Stack được nảy sinh từ những vấn đề thiết thực của người dùng và đặc biệt là trong vấn đề Web3.
Một trong những vấn đề đó là sự bất tiện của một bộ phận người dùng đã phải rời bỏ những bữa tiệc thân mật, bỏ giữa chừng những cuộc họp, và thậm chí là những kì nghỉ với các gia đình chỉ để về tìm kiếm các passphrase và kí những transaction quan trọng ở nhà.
Vì vậy, Solana nảy sinh ra sáng kiến giúp giải quyết bài toán này của người dùng khi kết hợp điện thoại ứng dụng công nghệ blockchain tích hợp các lớp layer nhằm hướng đến Web3 và tối ưu trải nghiệm người dùng.
⇒ Giúp người dùng truy cập/ký các giao dịch/trải nghiệm trên các ứng dụng DApps trên solana một cách dễ dàng, thuận tiện nhất.
4. Cách Solana Mobile Stack và Saga giải quyết vấn đề
Giải pháp
Solana hướng đến giải pháp đôi, nâng cao trải nghiệm người dùng kết hợp điện thoại, Solana Mobile stack với Web3.
Các bước triển khai
Bước 1: Cho phép Dapps chạy trong 1 nền tảng ví (ví dụ: Phantom, Coin98 Wallet)
Nghĩa là dapps sẽ hiện diện ngay trong 1 kho ứng dụng trên ví chứ người dùng không cần phải lên trình duyệt web rồi nhập vào địa chỉ trang web của ứng dụng/dịch vụ mà mọi người muốn truy cập ⇒ Tối ưu trải nghiệm người dùng trên chính sản phẩm điện thoại.
Bước 2: Xây dựng Solana Mobile Stack (SMS)
Việc build SMS nhằm đưa ví trở thành 1 lớp layer trong hệ thống vận hành (operating system) của điện thoại ⇒ Từ đó, cho phép Dapps chạy native như thể 1 ứng dụng trên điện thoại (ví dụ: Facebook, Tiktok,..) và có thể dễ dàng tải về từ kho ứng dụng trên SMS (AppStore phiên bản 2).
Để dễ hiểu:
Hình dung nền tảng ví bao gồm các cụm khôi phục mật khẩu (passphrase) tương tự như tài khoản ID Apple giúp mọi người có thể download/truy cập các Dapps dễ dàng. Thay vì trên không gian Web3 các dapps sẽ được kết nối với nhau trên browsers (vấn đề khiến trải nghiệm người dùng giảm)
⇒ Solana Mobile tiếp cận khác khi Solana tạo ra 1 lớp layer mới để gắn nền tảng ví vào hệ thống vận hành của điện thoại và sở hữu kho chứa các ứng dụng (Solana Dapps Store) sẽ được tải về dễ dàng từ 1 điện thoại.
⇒ Loại bỏ việc đăng nhập từng ví để tương tác với apps/web này rồi lại logout và login lại 1 ví khác để sử dụng với web/app khác.
Nghĩa là một điện thoại sẽ cho phép nền tảng ví tích hợp sẵn (built-in) vào hệ thống máy. Người dùng sẽ được yêu cầu đăng nhập passphrase của các ví mọi người có trên Solana để truy cập các dapp và chuyển đổi giữa các ví khi có nhu cầu.
Mọi người nếu đã từng sử dụng Coin98 Wallet sẽ hiểu. Tuy nhiên, chúng sẽ có một số sự khác biệt giữa 2 nền tảng trên ở các yếu tố sau:
- (1) Không gian kết nối các ứng dụng Web3.
- (2) Quy mô các chain tích hợp.
- (3) Trải nghiệm người dùng.
Phân tích các yếu tố trên và so sánh với nền tảng tương tự (Coin98 Wallet) về:
(1) Không gian kết nối các app Web3
- SMS: Dapps chạy native trên điện thoại
- Coin98 Wallet: Browsers + Dapps trên nền tảng ví
(2) Quy mô các chain tích hợp
- SMS: Solana (trước mắt), Co Founder Solana – Raj Gojal xác nhận các dự án/blockchains khác cũng có thể xây dựng trên SMS vì mã nguồn mở.
- Coin98 Wallet: Nhiều chain khác nhau, cụ thể là trên 50 chains.
(3) Trải nghiệm người dùng
Đây là yếu tố khó so sánh vì nó phụ thuộc vào cảm nhận của người dùng. Nhưng nếu xét sơ bộ tại thời điểm tháng 6/2022 thì:
- SMS: Dapps sẽ chạy native trên điện thoại nên sẽ dễ dàng người dùng truy cập như thao tác sử dụng các apps thông thường ⇒ Tối ưu trải nghiệm.
- Coin98 Wallet: Tích hợp nhiều Dapps + ứng dụng trên browser trên nhiều chains khác nhau trên 1 điểm truy cập duy nhất ⇒ Độ phủ rộng và nhiều options cho người dùng sử dụng nhiều tài sản ở nhiều chains khác nhau ⇒ Cần chờ thời gian feedback của người dùng về sản phẩm.
Nhận xét: Nếu SMS cho phép Dapps chạy trên layer nền tảng ví và hoạt động hiệu quả nhằm đem đến sự tối ưu cho trải nghiệm người dùng. Nếu mô hình này thành công => đây có thể là cuộc cách mạng cho ngành Web3, Dapps và cả ngành smartphone.
5. Mặt hạn chế của SMS
Tốn nguồn lực
Một trong những mặt hạn chế đầu tiên khi triển khai SMS là khối lượng công việc sẽ tăng lên cho đội ngũ và nguồn lực sẽ bị dàn trải từ việc phát triển blockchain sang cho việc phát triển SMS và các công cụ hỗ trợ Solana Mobile hoạt động trơn tru.
Đặc biệt, đội ngũ Solana cần tập trung thêm nguồn lực cho mảng này khi thời gian giao chiếc điện thoại đầu tiên chỉ còn khoảng 6 tháng (cho đến đầu năm 2023).
Phụ thuộc vào bên thứ 3
Solana phải hợp tác với bên thứ 3 là Osmo để sản xuất phần cứng điện thoại. Do dó, họ phải thuyết phục bên nhà cung cấp phần cứng hỗ trợ tích hợp công nghệ của Solana và SMS vào máy. Vì uỷ thác cho một bên khác làm điện thoại thì Solana sẽ bị phụ thuộc vào bên thứ 3.
Khi các vấn đề xảy đến từ bên nhà cung cấp phần cứng (tức ngoài tầm kiểm soát của Solana) thì Solana sẽ không thể tự chủ được trong việc xử lý.
⇒ Sản phẩm chịu rủi ro từ phía nhà cung cấp.
Rủi ro khi sử dụng hệ điều hành Android
Hệ điều hành Android là mã nguồn mở, vì vậy, khả năng các ứng dụng trên Solana Mobile chịu các rủi ro thường trực tương tự như trên các điện thoại khác chạy android là khá cao.
Tuy nhiên, Solana đã công bố sẽ có cơ chế bảo mật riêng Vault Seed nhằm bảo vệ seed phrase (các cụm khôi phục ví). Còn về các tính năng bảo mật sâu hơn thì vẫn chưa được công bố cụ thể.
Theo thống kê của nền tảng diệt virus có tiếng – Kaspersky, chỉ tính riêng năm 2021, 99% các mã độc trên điện thoại được thiết kế để tấn công điện thoại Android với 35,000 chương trình phần mềm độc hại được triển khai.
⇒ Rủi ro từ việc chạy hệ điều hành Android.
6. Tiềm năng phát triển của Solana Mobile
Thị trường người dùng điện thoại thông minh là rất lớn, lên đến 7.7 tỷ người trên toàn thế giới. Trong đó, có 6 tỷ chiếc điện thoại được sử dụng toàn cầu trong khi con số đó của các thiết bị desktop/máy tính chỉ rơi vào khoảng 2 tỷ thiết bị (theo Celo Org). Đến năm 2027, số lượng người sử dụng điện thoại được dự đoán sẽ lên đến 7.69 tỷ người (Theo Statista).
Ngoài ra, hiện đang có hơn 100 triệu người nắm giữ các loại tài sản số khác nhau.
Trong bối cảnh Solana là kẻ tiên phong trong lĩnh vực smartphone hoạt động trên nền tảng blockchain hướng đến web3 và trải nghiệm người dùng. Nếu hệ sinh thái Solana Mobile có thể phục vụ được khoảng 1-10% lượng người dùng trên cũng khoảng 70-700 triệu người – một con số rất lớn.
⇒ Tiềm năng của thị trường smartphone là rất lớn và còn nhiều dư địa để phát triển đặc biệt là trong ngách blockchain Web3 smartphone để Solana Mobile có thể xâm chiếm.
7. Liệu Solana sẽ thành công khi ra mắt Solana Mobile?
Thị trường này rất tiềm năng, tuy nhiên để có thể tiên đoán được xem họ có triển vọng như thế nào trong việc hiện thực hóa giấc mơ này là điều rất khó.
Để có những bước đánh giá sơ bộ thì ta cần xem xét lại nguồn lực của Solana ở thời điểm hiện tại.
Nguồn lực nội tại
A. Công nghệ blockchain của Solana
Tuy công nghệ đã là một bước phát triển lớn trong ngành. Tuy nhiên, việc xuất hiện lỗi là điều xảy ra thường xuyên và có những điểm chưa hoàn toàn ổn định hay độ bảo mật chưa cao.
Ví dụ: mạng lưới Solana hay bị tạm ngừng vì nhiều lý do chẳng hạn như việc bot spam NFT,..
Nếu Solana phát triển mobile, họ cần cải thiện chất lượng về công nghệ nền tảng của Solana và hoàn thiện các mảnh ghép trên hệ để đáp ứng các tiêu chí hướng đến mass adoption như:
- Độ bảo mật (Security).
- Tốc độ giao dịch cao (Speed).
- Tính ổn định được duy trì xuyên suốt (Stability).
- Khả năng kết hợp với các chains khác nhau (Interoperability).
- UI thân thiện với đại đa số người dùng (User Experiment).
Những yếu tố trên đều đang có những đối thủ xếp trên Solana về tất cả các yếu tố (blockchain có ưu thế hơn Solana) như bảo mật (Ethereum), Interoperability (Polkadot, Cosmos, các EVM chains),…
B. Hệ sinh thái Solana rộng lớn
Solana là một hệ sinh thái lớn với đa dạng các dự án nổi bật ở nhiều mảng khác nhau như:
- DeFi: Orca, Raydium, Serum, Coin98 Exchange.
- NFT: Magic Eden, Okay Bears,…
- Wallet: Phantom, Coin98 Wallet.
- Move-to-Earn: StepN,…
- Oracle: Pyth Network, Band, Chainlink,…
- Assets Management: Ape Board.
- Staking: Marinade.
- Và nhiều dự án ở các mảng trọng yếu phục vụ đa dạng nhu cầu người dùng cùng các cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng đủ các điều kiện để Solana phát triển hơn nữa.
Solana nằm trong top 5 thị trường về tổng giá trị được khóa trong các giao thức (TVL), hiện ở mức 2.71 tỷ USD (theo DeFiLIama).
C. CEO của Solana Labs là một người có background về chip và phần cứng
Được biết CEO của Solana Labs – Aeya Kovenko từng là kỹ sư với 13 năm kinh nghiệm tại Qualcomm. Đây một trong những công ty sản xuất các chất bán dẫn lớn của Mỹ với sản phẩm nổi bật là chip Snap Dragon được sử dụng rộng rãi trên các thiết bị của Microsoft.
Ngoài ra, SMS sẽ là chiến dịch được trưởng phòng phát triển Jason Keats (chuyên gia thiết kế ra Ipad Pro) dẫn dắt. Với kinh nghiệm dày dặn, kiến thức chuyên môn cùng độ thấu hiểu nhu cầu và trải nghiệm người dùng có liên quan đến điện thoại, Jason là một nhân tố chủ chốt trong sự phát triển của bộ sản phẩm SMS trong tương lai.
D. Hậu thuẫn từ FTX, Sam Bank và Alameda Research
Sàn FTX, Sam Bank, Alameda Research và hệ sinh thái Solana có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về nhiều mặt, đơn cử như vấn đề tài chính hay các mối quan hệ.
Nguồn doanh thu hùng hậu từ FTX Exchange – sàn giao dịch Crypto nằm trong top 3 sàn lớn nhất thị trường Crypto sau Binance, Coinbase là nền tảng vững chắc cho Solana phát triển.
Không những vậy, Alameda Research là đội market market và là quỹ đầu tư top tier trong thị trường luôn sẵn sàng làm hậu phương cho Solana.
⇒ Từ những nguồn lực trên, vấn đề tài chính không phải là mối bận tâm lớn của Solana.
Các vấn đề khách quan khác
A. Thị trường crypto/ blockchain vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi
Đối với tư duy của phần lớn người dùng non-crypto, họ vẫn cho crypto và blockchain là một thị trường rủi ro, vì được biết nhiều thông qua việc các tài sản crypto và Bitcoin tăng/giảm giá mạnh.
Theo nghiên cứu của trường đại học hàng đầu về cryptocurrency, công nghệ blockchain được chấp nhận hay không là nhờ vào việc thị trường Crypto có phát triển hay không. Đó là bởi thị trường crypto là bộ mặt và là cánh cửa để các nhà đầu tư biết đến Crypto, từ đó có tiềm năng để trở thành người dùng trong thế giới này.
Lộ trình để mọi người cận với công nghệ blockchain phần lớn là như sau:
- Biết đến Bitcoin và có những cơ hội lợi nhuận trong thị trường crypto mới nổi.
- Gây tiếng vang lớn bằng những công ty đạt vốn hoá tỉ đô + các đồng coins tăng giá mạnh mẽ.
- Các nhà đầu tư sẵn tìm cơ hội trên thị trường này.
- Các dự án trên thị trường hoặc ở các hệ sinh thái khác nhau có nhiệm vụ tạo ra các giá trị thu hút các nhà đầu tư và giữ chân họ thành người dùng, phục vụ các nhu cầu về mọi mặt.
Ví dụ về nhu cầu và các sản phẩm nổi bật:
- Thanh toán thuận tiện – các giải pháp ví có kết nối trung gian với các nền tảng CeFi.
- Chơi game kiếm lợi nhuận – Axie Infinity.
- Chạy bộ vừa có sức khỏe vừa có tiền – StepN.
- Được tham gia gặp các thần tượng Kpop và cầu thủ ở các bộ môn ưu thích thông qua Fan Token.
B. Các cầu nối bridge giữa các chains vẫn chịu những thiệt hại và rủi ro bị hack thường xuyên
Multichain đang là xu thế và các dự án dần định hướng Web3 để có thể kết nối tất cả dữ liệu, ứng dụng với nhau một cách dễ dàng. Vai trò của các cầu nối giữa các chains là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, mảnh ghép cơ sở hạ tâng này lại thuộc vào diện dễ bị tấn công khi còn vướng phải nhiều hạn chế. Các vụ tấn công có giá trị thiệt hại lớn nhất (ví dụ: Ronin Bridge – 624 triệu USD, PolyNetwork – 611 triệu USD) đều nhằm vào các bridge. Điều đó cho thấy rủi ro trong việc kết nối các chains và các dự án đang còn lớn.
Các bridge sẽ cần được chú trọng ở mức cao và gia cố hàng rào “giao thương” giữa các chain có vai trò trọng yếu này.
C. Các dự án khác trong thị trường vẫn chưa được hoàn thiện
Thị trường blockchain và crypto bao gồm nhiều dự án sau một thời gian hoạt động đã để lộ ra những điểm yếu trong các mô hình hoạt động, chẳng hạn như trường hợp của Terra kéo theo sự hoảng loạn của thị trường chung.
Một số dự án game như trên Solana chưa thể đi vào hoạt động như Star Atlas, dự án metaverse trên BNB Chain như Highstreet hay USM của Radio Caca vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để phát triển.
Các công nghệ blockchain thì vẫn đang cạnh tranh về nhiều mặt như tốc độ giao dịch, phí giao dịch, độ bảo mật cũng như họ tự nâng cấp chain bằng các bản upgrade như Ethereum với The Merge, BNB Chain có BAS side chain,..
Những điều trên cho thấy thị trường blockchain vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và nâng cấp. Ngay cả Solana cũng đang gặp vấn đề về nghẽn mạng, và đây là những thử thách mà cả ngành blockchain cần vượt qua.
D. Các cơ quan pháp luật chưa có hành lang pháp lý cụ thể
Tính đến thời điểm tháng 6/2022, duy chỉ có El Salvador là nước đầu tiên trên thế giới chấp nhận cho phép thanh toán bằng Bitcoin hợp pháp. Các nước khác vẫn đang trong quá trình suy xét và nghiên cứu (Canada, Kazakhstan, Mỹ..), và thậm chí một số nước tỏ rõ thái độ cấm cản (Trung Quốc).
Bởi vì các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc chưa có hành lang pháp lý cụ thể để quản lý thị trường crypto cũng như các quyết sách chính thức. Do đó, các nước nhỏ hơn cũng mang tâm lý e ngại hơn trong việc chấp nhận thị trường này.
Đây cũng là những yếu tố khách quan mang tầm vĩ mô giữa các quốc gia và hệ thống tài chính toàn cầu mà sẽ phần nào cản trợ thị trường crypto trong công cuộc mass adoption.
Nhận xét chung
Tất cả những yếu tố trên đang ngăn cản và là thử thách mà Solana Mobile Stack cần vượt qua để tiến đến thành công và được ứng dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, khi các yếu tố khác quan và chủ quan kia dần được cải thiện, các đội ngũ làm dự án càng cố gắng hoàn thiện các sản phẩm của mình ở những mảng trọng yếu khác nhau. Từ đó, kéo toàn bộ ngành blockchain phát triển một cách bền vững và được các chính phủ hợp pháp hoá
⇒ Solana Mobile Stack được thừa hưởng các yếu tố cần có để làm nền tảng cơ sở cho niềm tin vào sự phát triển của công nghệ này
8. Tổng kết
Ở thời điểm tháng 6/2022, khi CEO Solana Labs vừa công bố ra mắt giới thiệu sản phẩm thì kế hoạch để đưa điện thoại Solana đến tay người dùng cần phải đến năm 2023. Khoảng thời gian 6 tháng đến hơn 1 năm tới là cuộc đua rút nước mà đội ngũ Solana cần phải hoạt động hết công suất để cho ra mắt sản phẩm một cách chỉn chu nhất.
Trong thời gian này, trùng với lúc thị trường downtrend, các đội ngũ ở tất cả các hệ sinh thái trên thị trường Crypto sẽ có quãng tích luỹ, nghiên cứu và xây dựng/hoàn thiện các sản phẩm hiện có/mới.
Đồng thời, đây cũng là lúc các mô hình mang tính ponzi xếp chồng lên nhau bị đổ vỡ ⇒ các dự án/mô hình không chứng minh được tính hiệu quả, hoạt động kém hay scam đều sẽ ít nhiều bị đào thải ⇒ thị trường Crypto trong năm 2023 sẽ lột xác với những nền tảng tốt hơn, phát triển bền vững hơn.
Từ đó, nó là bước đệm tạo tiền đề cho các yếu tố khách quan dần trở nên ủng hộ Solana Mobile và hệ Solana phát triển hơn nữa.