Trước khi tìm hiểu khái niệm ultra-sound money, chúng ta cần phải hiểu sự kiện dẫn đến lí do ETH được gọi là ultra sound money, sự kiện The Merge 2.0. Tóm tắt lại, The Merge là sự kiện giúp Ethereum chuyển hoàn toàn cơ chế đồng thuận từ Proof of Work sang Proof of Stake. Điều này mang lại thay đổi lớn về mô hình bảo mật, tokenomics của ETH, mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng…
1. Ultra-sound money và sound money
Sound money là gì?
Sound money là thuật ngữ được được sử dụng để chỉ những loại tiền không dễ bị tăng giá đột ngột hoặc giảm sức mua trong thời gian dài, được hỗ trợ bởi các cơ chế tự điều chỉnh vốn có trong thị trường tự do.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ Rome thời cổ đại, đồng tiền thời đó là các đồng xu, đồng bạc được sử dụng để giao thương hàng ngày. Cái tên sound money dùng để chỉ những loại tiền kim loại có thể phát ra tiếng động, ví dụ nổi bật nhất là vàng và bạc.
Khái niệm này vẫn được sử dụng và dần dần mang ý nghĩa như ngày nay. Bitcoin cũng được nhiều người liệt kê vào danh sách sound money.
Ultra-sound money là gì?
Ultra-sound money là cụm từ chỉ một loại tiền có sức mua ổn định và giá trị tăng dần theo thời gian. Phát triển từ cái tên gốc sound money, ultra-sound money là phiên bản nâng cấp của loại tiền tệ này.
Trước đây, cộng đồng crypto thường ví Bitcoin như một loại sound money, cái tên ultra-sound money thể hiện sự vượt lên của Ethereum sau cập nhật The Merge. Cũng có thể hiểu nếu coi một loại tài sản có tổng cung cố định (như vàng, Bitcoin…) là sound money, thì ultra-sound money là loại tài sản có tổng cung giảm dần (giảm phát) và gia tăng giá trị theo thời gian.
Thực tế, ultra-sound money không phải là khái niệm mới được cộng đồng nói tới gần đây. Trước đó khái niệm này đã được đề cập bởi Justin Drake – Researcher của Ethereum Foundation đề cập và được nhắc tới nhiều hơn khi phiên bản EIP-1559 ra đời.
if capped-supply BTC is sound money 📢
decreasing-supply ETH is ultrasound money 🦇 pic.twitter.com/Y9N8HBmHBr
— Justin Ðrake 🦇🔊 (@drakefjustin) September 10, 2020
Cộng đồng những người ủng hộ khái niệm này trên Twitter thường thêm icon hình con dơi và một chiếc loa ở sau tên họ, ngụ ý những chú dơi phát ra sóng siêu âm (ultra-sound).
2. Tại sao gọi ETH là ultra-sound money?
ETH được gọi là ultra-sound money chủ yếu là vì ETH có khả năng giảm phát và khả năng gia tăng giá trị theo thời gian. Vậy làm tại sao ETH có thể giảm phát hoặc ít nhất đạt mức lạm phát rất thấp sau The Merge?
Trước The Merge, số ETH được issue ra thị trường mỗi ngày bao gồm:
(1) Block Reward cho miners + (2) Reward cho PoS stakers – (3) ETH đốt từ EIP-1559
Sau The Merge, sẽ không còn block reward được tạo ra trên Execution Layer (Ethereum mainnet) nữa. Nói cách khác, nguồn cung ETH mới sẽ lập tức giảm từ 14,500 – 14,000 ETH/ngày xuống tầm 1,500 – 1,600 ETH/ngày (tính toán dựa trên số lượng ETH staking trong Beacon chain ở thời điểm hiện tại).
Khi đó, tổng số ETH mới được issue trên thị trường sẽ được tính bằng:
(2) Reward cho PoS stakers – (3) ETH đốt từ EIP-1559
Với việc mạng Ethereum vẫn luôn là trung tâm phát triển của crypto, người ta kì vọng số người sử dụng mạng lưới sẽ tiếp tục tăng, từ đó số ETH đốt từ EIP-1559 sẽ vượt qua số ETH được sử dụng làm phần thưởng cho staker và ETH sẽ bắt đầu giảm phát.
Với mức tiêu thụ gas ở thời điểm hiện tại, nếu gwei ở mức 15 thì lạm phát gần như bằng 0. Gwei mức 20, mạng bắt đầu giảm phát.
Theo dữ liệu từ trang web ultrasound.money, ETH đã bắt đầu bước vào giai đoạn giảm phát trong 30 ngày gần đây khi số lượng ETH mới nhỏ hơn số lượng ETH được burn.
Ultra-sound money đã được cộng đồng Ethereum nhắc tới nhiều từ khi EIP-1559 ra mắt, tuy nhiên phải tới khi The Merge diễn ra thì cụm từ này mới trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với ETH.
3. Quan điểm trái chiều về ETH và ultra-sound money
Tuy rằng cộng đồng Ethereum rất tin tưởng vào việc ETH trở thành ultra-sound money – một loại tài sản giảm phát, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Nhiều người cho rằng, khi so sánh với BTC, ETH chưa chắc đã ưu việt hơn. Các chính sách về tokenomics của BTC đã được thiết lập sẵn và không thể thay đổi vì bất kì lý do gì. Thêm vào đó, họ cũng đặt câu hỏi liệu Ethereum có thể lại tiếp tục thay đổi cơ chế vận hành ảnh hưởng tới giá ETH trong tương lai hay không?
Cũng nhiều người cho rằng đặc điểm giảm phát và lưu trữ giá trị sử dụng cũng có ở BNB. BNB thậm chí có tổng cung cố định và hiện đã đạt mức tổng cung đó, cộng thêm cơ chế đốt phí gas tương tự như ETH, số lượng BNB trên thị trường chỉ có thể giảm dần.
Tuy nhiên, trước đó không ai cho rằng BNB là ultra-sound money, vậy với trường hợp của ETH còn chưa chắc chắn giảm phát thì sao?
3. Tổng kết
Ethereum The Merge diễn ra thành công đã mở ra bước đệm giúp ETH trở thành ultra-sound money. Ở thời điểm hiện tại, ETH đã có mức lạm phát rất thấp, xét trong 30 ngày gần đây, ETH thậm chí đã bắt đầu giảm phát. Cho dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng những thay đổi của ETH đang cho thấy tác động tích cực.