Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mang tính kết nối hơn bao giờ hết. Các bài viết, đơn đặt hàng, việc tương tác trên mạng xã hội… có thể diễn ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng vì sao “điều thần kỳ” này có thể diễn ra? Vì sao dữ liệu ở nơi này có thể được chuyển đến một nơi khác nằm bên kia bán cầu một cách gần như tức thì? API chính là lời giải cho câu hỏi trên. Hãy lấy một ví dụ đơn giản về vai trò của API.
1. API là gì?
API (application programming interface) là phương thức giúp các hệ thống, ứng dụng không liên quan đến nhau có thể kết nối và tương tác với nhau. API có vai trò quan trọng trong kỷ nguyên “thế giới phẳng” ngày nay.
2. Vai trò của API
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mang tính kết nối hơn bao giờ hết. Các bài viết, đơn đặt hàng, việc tương tác trên mạng xã hội… có thể diễn ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng vì sao “điều thần kỳ” này có thể diễn ra? Vì sao dữ liệu ở nơi này có thể được chuyển đến một nơi khác nằm bên kia bán cầu một cách gần như tức thì?
API chính là lời giải cho câu hỏi trên. Hãy lấy một ví dụ đơn giản về vai trò của API.
Tưởng tượng API giống như người phục vụ trong một nhà hàng, khách hàng đã chọn được món và muốn nhà bếp làm món ăn đó. Mắt xích còn thiếu hiện tại là một liên kết giúp đưa yêu cầu của khách đến nhà bếp và đưa thức ăn từ nhà bếp đến khách hàng.
Đây là lúc cần đến vai trò của người phục vụ (API). Người phục vụ sẽ chịu trách nhiệm nhận yêu cầu đặt món từ khách và phục vụ món của nhà bếp, nói cách khác người phục vụ chính là sợi dây liên kết giữa tín hiệu gửi đi (yêu cầu của khách) và tín hiệu gửi về (món ăn).
Lấy một ví dụ thực tế của API.
Bạn đọc chắc hẳn đã quen với quá trình tìm kiếm và đặt vé máy bay online. Khi đặt vé, chúng ta sẽ chọn các thông tin như: ngày khởi hành, hạng vé… Khi chọn xong các trường thông tin này, hệ thống sẽ gửi lại thông tin cho biết liệu có sẵn chuyến bay, chỗ ngồi trong ngày hôm đó không và mức giá của chúng là bao nhiêu.
Tương tự như ví dụ về người phục vụ bàn ở trên, API lúc này giữ vai trò tiếp nhận thông tin gửi đi từ thiết bị của bạn và đưa chúng đến máy chủ của hãng bay, sau đó nhận kết quả phản hồi từ máy chủ hãng bay và gửi chúng lại cho bạn. Những ứng dụng mà chúng ta thường sử dụng để xem thông tin của nhiều chuyến bay về bản chất là tập hợp của nhiều API kết nối đến nhiều hãng bay khác nhau.
Nguyên lý trên được áp dụng cho nhiều ngành nghề và được sử dụng trên mọi thiết bị, ứng dụng ở khắp nơi trên thế giới, từ đó tạo ra sợi dây kết nối mạng lưới thông tin toàn cầu.
3. Bản chất của API
Là thành tố quan trọng và được sử dụng để kết nối dữ liệu trên toàn thế giới, API có nhiều thiết kế nhằm phục vụ các mục đích khác nhau. API có nhiều loại và có sự khác nhau về tính năng, tốc độ, khả năng truy cập và khả năng hỗ trợ, nhưng đặc điểm chính của chúng là giúp bên yêu cầu kết nối với nguồn dữ liệu của người cung cấp. Việc này có lợi ích rất lớn trong kỷ nguyên thế giới phẳng, lý do là thay vì phải tự tạo lại nguồn dữ liệu từ đầu, chúng ta có thể sử dụng thẳng nguồn dữ liệu của bên khác.
Ví dụ như một ứng dụng thuê lái xe thay vì phải đi khảo sát địa hình để vẽ lại bản đồ, họ có thể mua API của Google Map và tích hợp vào ứng dụng của mình.
4. API trong crypto là gì?
Dựa vào bản chất giúp kết nối nguồn dữ liệu của API, có thể chia API trong crypto ra làm hai loại chính: API off-chain và API on-chain .
- API off-chain là API được kết nối với nguồn dữ liệu ngoài chuỗi. Một vài cái tên nổi bật là Binance API, Coingecko API, Coinbase API…
- API on-chain là API được kết nối với nguồn dữ liệu trên chuỗi. Những cái tên nổi bật là Infura, Alchemy, Moralis…
API có rất nhiều công dụng trong crypto, tiêu biểu như:
- Cung cấp dữ liệu giá của các cặp tài sản trên thị trường. Tuỳ vào tốc độ mà API có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: làm bot giao dịch, hiển thị giá, giao dịch tài sản của một sàn thông qua một ứng dụng thứ ba…
- Tổng hợp thông tin của nhiều sàn trong một ví. Nhờ đó người dùng có thể theo dõi toàn cảnh thị trường hoặc tạo ra các bot giao dịch chênh lệch giá…
- Giúp việc phát triển các ứng dụng on-chain dễ dàng hơn vì có thể sử dụng API để truy cập nguồn dữ liệu được lưu trên các node.
Và còn nhiều ứng dụng khác.
5. Tiêu chí đánh giá API
API có nhiều loại để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, do đó việc lựa chọn API phù hợp với nhu cầu người dùng sẽ có ích hơn là lựa chọn API tốt nhất hay đắt nhất.
Ví dụ nếu muốn tạo một trading bot crypto để phản ứng nhanh với tình hình thị trường, bạn sẽ cần những API có tốc độ cao. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn hiển thị thông tin giá trên ví và không cần tốc độ cao, bạn có thể sử dụng Coingecko API.
Ví dụ khác, nếu bạn là nhà phát triển và muốn nhanh chóng phát triển các dapp trên Ethereum hoặc các chain khác, việc sử dụng API từ các nhà cung cấp như Infura, Alchemy sẽ giúp bạn nhanh chóng tiếp cận nguồn dữ liệu on-chain.
Các yếu tố khác như chi phí, tốc độ, khả năng sử dụng, sự uy tín của bên cung cấp API… cũng nên được xem xét kỹ lưỡng.
6. Lưu ý khi sử dụng API
Ngoài việc xác định thật rõ ràng mục đích sử dụng API, trong quá trình sử dụng API, người dùng cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Cần có đủ kiến thức khi sử dụng API: Nếu chưa hiểu rõ ràng về API bạn chỉ nên sử dụng những tài khoản thử nghiệm và không có rủi ro thiệt hại tài sản.
- Cấp quyền API: Tuỳ thuộc vào nhu cầu mà chúng ta sẽ lựa chọn cấp quyền API phù hợp để tránh các rủi ro liên quan.
- Lưu trữ API Key: Thông thường việc sử dụng API sẽ đi kèm với việc bảo quản API Key. Chúng có tầm quan trọng tương tự private key, vì nếu nắm được API Key, kẻ xấu sẽ có toàn quyền sử dụng chúng đúng như những gì chúng được cấp quyền ban đầu. Do đó, việc lưu trữ API key sao cho an toàn, thậm chí sẵn sàng xoá API key trong trường hợp cần là điều hoàn toàn cần thiết.
7. Tổng kết
API là thành tố quan trọng trong kỷ nguyên thế giới phẳng ngày nay. Chúng là sợi dây kết nối mạng lưới thông tin toàn cầu. Việc hiểu về API và vai trò của chúng là cơ sở để hiểu được các đột phá mới trong công nghệ thông tin ở hiện tại và tương lai.