Ý tưởng về Blockchain bắt nguồn từ một ý tưởng về chuỗi dữ liệu bất biến được mô tả lần đầu năm 1991 bởi 2 nhà nghiên cứu W. Scott Stornetta và Stuart Haber. Nhưng phải đến năm 2008, nhờ những cải tiến của khoa học máy tính mà Blockchain mới thực sự được ứng dụng, đó chính là Bitcoin. Blockchain được phát minh bởi một người (hoặc một nhóm) ẩn danh Satoshi Nakamoto.
- 1. Các bài toán cho blockchain
- Bài toán về tính bảo mật (Security)
- Bài toán về tính phi tập trung (Decentralization)
- Bài toán về khả năng mở rộng (Scalability)
- Bài toán về khả năng tương tác
- Bài toán về storage
- Bài toán privacy
- Bài toán pháp lý
- Bài toán Web3
- 2. Dự phóng xu hướng tiếp theo của Blockchain
- Blockchain được mô đun hoá
- Blockchain hiệu suất cao có thể mở rộng theo chiều ngang
- Privacy Blockchain
- Muiltichain
- 3. Tổng kết
Các blockchain thế hệ đầu tiên được thiết kế để cải thiện hệ thống tài chính bằng cách cung cấp một nền tảng tiền tệ phi tập trung đặt quyền kiểm soát về tay của mọi người.
Các blockchain thế hệ thứ hai thêm một lớp “điều kiện” vào các giao dịch để mọi người có thể đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng thông minh (smart contract) thay vì dựa vào các bên trung gian.
Các blockchain thế hệ thứ ba nhằm giải quyết các thiếu sót cơ bản bao gồm khả năng mở rộng và khả năng tương tác, có nghĩa là blockchain có thể duy trì việc áp dụng hàng loạt và không gặp phải các vấn đề như thời gian giao dịch chậm hay hệ thống rời rạc thiếu tương tác với nhau.
Những blockchain thế hệ thứ 3 nào có thế giải quyết bài toán về khả năng mở rộng và khả năng tương tác? Xu hướng tiếp theo của blockchain là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Các bài toán cho blockchain
Chúng ta vẫn quen thuộc với bài toán blockchain trilemma (Bảo mật, phi tập trung, khả năng mở rộng), các blockchain hiện tại chỉ có thể chọn 2 trong số 3 yếu tố và phải hy sinh yếu tố còn lại. Ví dụ nếu blockchain lựa chọn bảo mật và phi tập trung thì sẽ phải hy sinh khả năng mở rộng. Trong khi blockchain thế hệ thứ 3 đang vật lộn để giải bài toán blockchain trilemma thì lại xuất hiện nhiều bài toán/ nhu cầu khác do sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của không gian blockchain. Trước khi dự phóng xu hướng tiếp theo của blockchain chúng ta cùng xem xét các bài toán/ nhu cầu với Blockchain hiện nay nhé.
Bài toán về tính bảo mật (Security)
Blockchain vốn đã an toàn, nhưng không hoàn toàn miễn nhiễm với hacker. Nếu một tin tặc có thể kiểm soát hơn một nửa mạng lưới (từ 51% tổng số node), họ có thể thay đổi một chuỗi khối và thao túng các giao dịch để lấy cắp từ mạng. Như vậy blockchain có càng nhiều node thì càng bảo mật.
Bài toán về tính phi tập trung (Decentralization)
Trong blockchain, phân quyền ám chỉ việc chuyển quyền giám sát và ra quyết định từ một hiệp hội tập trung (cá nhân, công ty hoặc nhóm người) sang một mạng phân tán ngang hàng, mọi người trên thế giới đều có quyền tham gia vào mạng lưới theo hình thức trustless (không cần tin cậy người khác).
Bài toán về khả năng mở rộng (Scalability)
Khả năng mở rộng là khả năng phát triển của hệ thống để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng. Tức là khả năng duy trì tốc độ và thông lượng cao khi mạng lưới ngày càng phát triển.
Bài toán về khả năng tương tác
Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, chúng ta đang có một cấu trúc thị trường đa chuỗi (multi-chain) với hàng chục blockchain lớn nhỏ khác nhau. Mỗi một blockchain lại có công nghệ, hạ tầng và quy tắc riêng biệt nên mỗi blockchain lại có những dạng token và mã nguồn khác nhau. Chúng phát triển các điểm mạnh độc đáo của riêng mình, chẳng hạn như bảo mật cao hơn, thông lượng nhanh hơn, giao dịch rẻ hơn, quyền riêng tư tốt hơn…
Trong môi trường phân mảnh như vậy thì nhu cầu tương tác giữa các blockchain với nhau để khai thác tiềm năng của các chain là điều tất yếu. Ngoài cầu nối cross-chain thì còn cách nào để multichain có thể vừa có tính chuyên biệt, vừa có tính liền mạch?
Bài toán về storage
Thị trường lưu trữ đám mây hiện nay, đa phần được kiểm soát bởi một số nhà cung cấp tập trung siêu lớn (Google, Microsoft, Dropbox, Amazon, v.v.). Đặt ra câu hỏi là người dùng có được bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư, cấp phép, kiểm soát và quyền sở hữu dữ liệu?
Storage blockchain ra đời để giải quyết bài toán đó, thay vì chạy lưu trữ thông qua một công ty tập trung, một mạng lưới Blockchain phi tập trung sẽ mã hóa, lưu trữ dữ liệu, chỉ người dùng có mã khóa cá nhân mới có quyền truy cập dữ liệu của mình. Một số Storage Blockchain như Filecoin, Arweave, Holo, Storj…
Bài toán privacy
Dù trong không gian blockchain hay ngoài đời thực thì quyền riêng tư luôn là nhu cầu mặc định của mỗi người. Chắc chắn bạn không muốn người khác nắm hết thông tin cá nhân, số dư tài khoản của mình, không một tổ chức nào muốn đối thủ cạnh tranh nắm rõ hết thông số, dòng tiền, chiến lược & bí mật kinh doanh của mình. Privacy càng được thể hiện rõ trong lý tưởng của Web3, nơi mà người dùng có quyền tự chủ với tài sản và dữ liệu của mình.
Bài toán pháp lý
Crypto sinh ra với lý tưởng phi tập trung, phi biên giới, mang lại quyền riêng tư và quyền sở hữu thật sự cho người dùng, mọi người được tham gia công bằng và loại bỏ bên trung gian thứ 3. Tuy nhiên Blockchain là công nghệ mới khó kiểm soát, nên một số quốc gia chọn cách cấm; một số quốc gia chọn cách quan sát & nghiên cứu; một số quốc gia năng động như Mỹ, Canada, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì đang xây dựng và áp dụng khung pháp lý để quản lý và thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển.
Crypto ngày càng thu hút được nhiều người dùng, các ứng dụng của blockchain không chỉ gói gọn ở phương tiện thanh toán mà còn áp dụng rất nhiều ứng dụng/ phương thức bên truyền thống sang. Vây nên nhiều dự án có phương thức giống với truyền thống nhưng chưa áp dụng theo khung pháp lý truyền thống có thể sẽ bị cơ quan quản lý kiện. Ví dụ như Ripple bị SEC kiện, Tornado Cash bị Bộ tài chính Hoa Kỳ trừng phạt.
Một số quốc gia như EL Salvador, Cộng hòa Trung Phi đã công nhận Bitcoin là tiền tệ quốc gia. Nhiều tổ chức, ngân hàng đã cung cấp dịch vụ crypto cho khách hàng. Nhiều thành phố đang xây dựng thành phố Bitcoin. Đó là điều đáng mừng cho thị trường crypto trong tương lai. Và thị trường crypto cũng sẽ phải chuyển mình để thích ứng với các khung pháp lý để có thể đón lượng lớn người dùng và tổ chức vào thị trường.
Bài toán Web3
Phần lớn triết lý và niềm tin đằng sau Web3 là về việc loại bỏ những người trung gian và tạo ra một tương lai nơi người dùng có quyền tự chủ đối với dữ liệu, tài sản cá nhân. Web 3 là một khái niệm mở, nó là sự hội tụ công nghệ của tất cả nhưng thành phần như Decentralized Blockchain, Privacy, DeFi, Storage/ Big Data, NFTs, Metaverse, DAO… kết hợp với sức mạnh của IOT, AI để Internet trở nên thông minh hơn, tăng khả năng tương tác động hoặc xử lý thông tin với trí thông minh gần giống con người.
Thời điểm hiện tại thật khó để đưa ra một định nghĩa cứng nhắc về Web3 là gì, nhưng chúng ta có một vài nguyên tắc cốt lõi hướng dẫn việc tạo ra Web3.
- Web3 được phân quyền: thay vì một vùng rộng lớn của internet được kiểm soát và sở hữu bởi các thực thể tập trung, quyền sở hữu được phân phối giữa những người xây dựng và người dùng của nó.
- Web3 không cần cho phép: mọi người đều có quyền truy cập bình đẳng để tham gia vào Web3 và không ai bị loại trừ.
- Web3 có các khoản thanh toán gốc: nó sử dụng tiền mã hóa (crypto) để chi tiêu và gửi tiền trực tuyến thay vì dựa vào cơ sở hạ tầng lỗi thời của các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán.
- Web3 không cần tin cậy: nó hoạt động bằng cách sử dụng các cơ chế kinh tế và khuyến khích thay vì dựa vào các bên thứ ba đáng tin cậy.
2. Dự phóng xu hướng tiếp theo của Blockchain
Blockchain được mô đun hoá
Modular blockchain là giải pháp hàng đầu cho bài toán blockchain trilemma (bảo mật, phi tập trung, khả năng mở rộng). Thay vì một mình thực hiện tất cả các nhiệm vụ (đồng thuận, dữ liệu khả dụng, thực thi, giải quyết tranh chấp) thì blockchain modular chia tách các nhiệm vụ cho các lớp chuyên biệt xử lý. Khi các module làm tốt nhiệm vụ của mình thì bài toán blockchain trilemma có thể giải.
Consensus layer – Lớp đồng thuận là lớp đồng ý về nội dung và trình tự giao dịch, duy trì tính bảo mật của blockchain cơ bản.
Data availability layer là lớp đảm bảo rằng dữ liệu giao dịch có sẵn cho người dùng và nhà sản xuất khối (các Node đồng thuận).
Execution layer – Lớp thực thi là lớp hỗ trợ thực hiện các giao dịch và cho phép triển khai và tương tác với các hợp đồng thông minh.
Settlement layer là một lớp để hoàn thiện các giao dịch, giải quyết tranh chấp, xác thực bằng chứng và làm cầu nối giữa các lớp thực thi khác nhau.
Một số dự án modular blockchain như Ethereum 2.0, Polkadot, Near, Celestia, Cosmos…
Blockchain hiệu suất cao có thể mở rộng theo chiều ngang
Blockchain thường được thiết kế module cho những phần có thể gây ra nút cổ chai, các tính toán có thể chạy tính toán song song, giúp chúng có khả năng mở rộng quy mô theo chiều ngang mà vẫn giữ được tính liền mạch, nghĩa là thông lượng của giao thức không bị giới hạn bởi các Node yếu nhất trên mạng (nút cổ chai).
Một số dự án như Aptos, Sui, Solana, Polygon Zero…
Cả Sui, Aptos và Solana đều có mức tốc độ tương tự nhau, chúng đều có thể chạy tính toán song song. Còn Polygon Zero là layer 2 có thể mở rộng theo chiều ngang nhờ công nghệ Plonky2 tạo bằng chứng đệ quy nhanh nhất hiện nay.
Privacy Blockchain
Privacy Blockchain có thể giúp doanh nghiệp dùng sở hữu độc quyền để kích hoạt smart contract, có thể chuyển tiền xuyên biên giới an toàn và chi phí thấp, hệ thống vận hành minh bạch với các nhà quản lý nội bộ nhưng rất bảo mật với tác nhân bên ngoài…
Privacy Blockchain giúp người dùng có quyền tự chủ với tài sản và dữ liệu của mình. Để trải nghiệm Web3 đầy đủ thì không thể thiếu quyền riêng tư.
Rào cản lớn nhất của Privacy Blockchain là vấn đề pháp lý. Nếu có thể giải quyết bài toán pháp lý thì Privacy Blockchain sẽ là xu thế được người dùng đón nhận mạnh mẽ.
Một số dự án Privacy như Zcash, Tornado Cash, Aztec; Aleo, Secret Network, Oasis Network, Casper, Polygon Nightfall; Polygon ID, zCloak Network….
Muiltichain
Multichain là bản nâng cấp của Modular Blockchain. Trong không gian multichain, các blockchain tương tác thông qua hệ thống cross-chain (bridge hoặc service blockchain) mang lại tính liền mạch, tận dụng tài nguyên của các blockchain mang đến hồ thanh khoản lớn và trải nghiệm tốt cho người dùng.
Một số dự án tiềm năng như Polygon, Cosmos, Polkadot và không ngoại trừ việc sẽ có giải pháp giúp các blockchain hiện tại có thể tương tác, kết nối liền mạch và đảm bảo an ninh. Layerzero là một trong những dự án được kỳ vọng mang lại hạ tầng cross-chain kết nối an toàn các blockchain.
3. Tổng kết
Trong ngắn và trung hạn thì nhu cầu của thị trường DeFi, NFTs/ Gamefi rất lớn nên bài toán bộ ba bất khả thi sẽ được ưu tiên hàng đầu. Giải pháp modular blockchain hay Blockchain hiệu suất cao có thể mở rộng theo chiều ngang được xem là khả thi nhất hiện nay. Trong trung và dài hạn thì nhu cầu web3 sẽ cao hơn rất nhiều, không chỉ dừng lại ở bài toán blockchain trilemma, mà còn bài toán về privacy, storage, AI… nên xu hướng tất yếu trong dài hạn sẽ là cấu trúc thị trường multichain và privacy để đáp ứng nhu cầu tương tác liền mạch giữa các blockchain và nhu cầu Web3 của người dùng & tổ chức.