Thao túng thị trường đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử. Bất cứ nơi nào có các tài sản có thể giao dịch, nơi đó sẽ xuất hiện thao túng và thị trường tiền điện tử cũng không phải là ngoại lệ.
- 1. Thao túng thị trường là gì?
- 2. Những kẻ thao túng thị trường là ai?
- 3. Tại sao lại xuất hiện thao túng thị trường tiền điện tử?
- 4. Các hình thức thao túng thị trường
- 5. Dấu hiệu nhận biết thị trường đang bị thao túng
- Theo dõi tỷ lệ giữa các lệnh Long/Short
- Đánh giá thanh khoản của thị trường
- Xuất hiện nhiều tin đồn xoay quanh một đồng coin nào đó
- Theo dõi Whale Alert
- 6. Trader có thể làm gì để tránh bị tác động bởi thao túng thị trường
- Hodl coin
- Điều chỉnh stop loss
- Cân bằng danh mục đầu tư
- Đừng FOMO/FUD
- Chọn một sàn giao dịch đáng tin cậy và thanh khoản cao
- 7. Tổng kết
1. Thao túng thị trường là gì?
Thao túng thị trường (Market Manipulation) thường được hiểu là khi ai nào đó làm ảnh hưởng một cách giả tạo đến cung và cầu của một loại tài sản để thu lợi cá nhân. Hành vi này có thể khiến giá tài sản đó tăng hoặc giảm tùy thuộc vào mục tiêu của kẻ thao túng.
Thông thường, nếu kẻ thao túng có ý định mua nhiều hơn, thì họ sẽ nhắm tới việc tạo ra một đợt giảm giá. Nếu họ đã nắm giữ một lượng lớn tài sản và muốn chốt lời, thì họ sẽ hướng đến việc tạo ra sự tăng giá.
Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên với tiền điện tử, chưa hề có bất kỳ một bộ luật nào quy định về hành vi thao túng giá crypto. Vậy nên nó vẫn là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho các cá nhân có khả năng thao túng thị trường lộng hành.
2. Những kẻ thao túng thị trường là ai?
Trên thực tế, rất khó để có thể phát hiện ra chính xác ai là người đang thao túng thị trường.
Trong crypto, chúng ta có một tên gọi chung để chỉ những kẻ dễ có khả năng thao túng thị trường nhiều nhất. Đó là “cá mập”. Họ thường là một người hay một nhóm người nắm trong tay một số lượng coin đủ lớn để thể hiện được sự tham gia và tầm quan trọng của họ trên thị trường tiền điện tử.
Người bị cáo buộc thao túng thị trường tiền điện tử nhiều nhất hiện nay là tỷ phú Elon Musk. Dogecoin, đồng coin được xem như một trò đùa vào năm 2013 đã tăng giá chóng mặt hơn 14,600% từ mức xấp xỉ $0,004 lên mức $0.585 đầu năm 2021. Giá trị vốn hoá đạt $69 tỷ và trở thành đồng coin đứng thứ 7 toàn thị trường tiền điện tử về giá trị vốn hóa. Điều này chỉ nhờ vào vài dòng tweet từ Elon Musk.
Tuy nhiên đến nay, giá Dogecoin đã tụt dốc không phanh và được nhiều chuyên gia nhận định rằng “bong bóng đã vỡ”.
Ngoài cá mập, các sàn giao dịch tiền điện tử lớn có tầm ảnh hưởng cũng có thể tham gia vào việc thao túng thị trường bằng cách tạo ra các lệnh giả mạo hoặc loại bỏ các lệnh Long/Short hiện có.
Đầu năm 2021, một người dùng Twitter có tên RealFulltimeApe đưa ra lời cáo buộc đối với sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance vào ngày.
Cụ thể, người này cho rằng Binance đang kiểm soát toàn bộ các mức thanh khoản lớn và cố tình bơm/xả giá buộc người dùng thanh lý các lệnh Long/Short. Qua đó làm tăng quỹ bảo hiểm và lợi nhuận của công ty.
Tuy Binance đã phủ nhận cáo buộc trên. Nhưng ngày 27 và 28/08 vừa qua, người dùng đã chứng kiến giá đồng RAY có sự chênh lệch lớn giữa sàn này và sàn FTX, dao động quanh mức 50%.
Rất nhiều giả thiết được đặt ra, tuy nhiên nhiều nhất là Binance đang kill các vị thế Short RAY bằng cách khóa nạp rút đồng coin này và thao túng giá của nó. Binance hiện vẫn chưa lên tiếng làm rõ tin đồn này.
3. Tại sao lại xuất hiện thao túng thị trường tiền điện tử?
Thiếu các thể chế pháp lý
Trong các thị trường tài chính truyền thống, thao túng là một hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt rất nặng. Cụ thể tại Mỹ, Luật Chứng khoán và Giao dịch năm 1934 quy định tội thao túng giá cổ phiếu có thể bị phạt tù và thu hồi giấy phép hoạt động, cấm tham gia các hoạt động tài chính tùy vào mức độ. Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có các quy định tương tự. Ở Việt Nam, thao túng thị trường được xếp vào nhóm tội phạm hình sự và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên hiện nay, đa phần các quốc gia trên thế giới lại không có khung pháp lý cho tiền điện tử. Lợi dụng điều này, các cá mập tha hồ thao túng thị trường để thu về cho mình khoản lợi nhuận kếch xù.
Lợi nhuận
Chắc chắn lợi nhuận là một trong những lý do quan trọng nhất thu hút các cá mập thao túng thị trường crypto. Tiền điện tử vốn nổi tiếng là rủi ro cao, đi kèm với đó là lợi nhuận cũng cao. Kết hợp với sự thiếu hụt trong khung pháp lý, cá mập có thể mặc sức bơm thổi giá một đồng coin “to the moon”, tạo ra thanh khoản lớn để thu được lợi nhuận gấp nhiều lần trong một thị trường hoạt động bình thường.
FOMO/FUD
Tâm lý của các nhà đầu tư mới, còn thiếu kinh nghiệm là dễ bị lòng tham che mờ lý trí, dễ dao động và bị ảnh hưởng cảm xúc bởi đám đông hay các tin tức trên thị trường. Lợi dụng điều đó, cá mập có thể tung ra các tin tức giả để kích hoạt tâm lý nhà đầu tư, khiến họ nhanh chóng bán tháo tài sản hoặc đổ xô đi mua một đồng coin nào đó để không bỏ lỡ những cơ hội làm giàu.
Sự phát triển mạnh mẽ của ICO
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường crypto, ICO cũng nở rộ như một hình thức huy động vốn của các dự án start up. Lợi dụng điều này, các cá mập tìm cách thao túng thị trường thông qua ICO bằng cách tung tin đồn nhằm nâng giá trị cho một đồng coin vốn không có hoặc rất ít giá trị nội tại kết hợp với tâm lý Fomo/Fud của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để kiếm lời.
Các kế hoạch này thường nhắm đến các đồng coin mới, có khối lượng giao dịch thấp và thanh khoản thấp vì chúng rất dễ bị làm giá.
4. Các hình thức thao túng thị trường
Có nhiều kiểu thao túng thị trường, hầu hết trong số chúng là bất hợp pháp. Dưới đây là một số hình thức phổ biến nhất:
Pump & Dump
Đây là phương pháp thao túng thị trường tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay và có những tác động lớn nhất. Pump & Dump dùng để chỉ hành vi của một hoặc một nhóm các nhà đầu tư cố gắng làm tăng giá trị của một đồng coin cho đến khi nó thu hút được sự chú ý từ các nhà đầu tư nhỏ khác. Một khi những người này tham gia vào thị trường và kéo theo giá coin tăng lên, nhóm cá mập sẽ bán tháo ra để kiếm lợi nhuận.
Để làm được điều này, ban đầu cá mập sẽ cung cấp các thông tin sai lệch và tung nhiều tin đồn tốt để thuyết phục các nhà đầu tư nhỏ lẻ rằng một đồng coin có giá trị hơn thực tế.
Các Altcoin có thanh khoản thấp là một mục tiêu hoàn hảo của các cá mập muốn thực hiện pump & dump. Rất khó để phát hiện chính xác một đợt pump & dump và ai là người đứng sau nó.
Wash Trading
Wash Trading đề cập đến việc thực hiện một số lượng lớn các lệnh mua và bán cho cùng một đồng coin nhằm tác động lên khối lượng giao dịch. Từ đó khiến giá tài sản tăng lên để tạo ra ảo tưởng về một thị trường năng động hơn. Điều này có thể thu hút sự chú ý các nhà đầu tư mới tham gia thị trường cho đồng coin đó mà trong điều kiện bình thường sẽ không được chú ý nhiều.
Vào tháng 03/2019, Bitwise Asset Managemen đã ban hành một báo cáo về thị trường giao dịch Bitcoin (BTC). Cụ thể, họ tuyên bố rằng 95% khối lượng giao dịch BTC được ghi nhận trên CoinMarketCap là do giao dịch wash trade bởi các chương trình tự động hóa.
Stop Hunting
Một trong những chiến thuật bất chính nhất được triển khai bởi cá mập tiền điện tử là Stop Hunting, tức là săn tìm tất cả các mốc cắt lỗ có thể nhìn thấy. Điều này được sử dụng để buộc những người đang tham gia thị trường thoát khỏi vị thế bằng cách đẩy giá đủ thấp để kích hoạt điểm dừng lỗ của họ. Mục đích của những chú cá mập này là mua tài sản ở mức giá thấp hơn, tìm kiếm thanh khoản cho thị trường hoặc tạo ra sự biến động để hưởng lợi từ nó.
Thông thường, các trader sẽ đặt các lệnh cắt lỗ tại những mức giá khá dễ đoán như mức giá chẵn 7000, 8000, 9000,… hoặc ngay dưới các mức hỗ trợ. Vậy mục tiêu là chỉ cần đẩy giá xuống dưới mức stop loss khiến cho tất cả các lệnh stop loss này được khớp. Để làm được điều đó, các cá mập sẽ thực hiện dùng đòn bẩy để vay thêm tiền, đặt lệnh mua ở mức thấp rồi tiến hành bán số lượng lớn.
Stop Hunting thường hay xảy ra trong các thị trường có thanh khoản kém.
Một ví dụ điển hình là lúc giá BTC tăng lên trên $10,000 vào tháng 06/2020, sau đó cá mập đã ép thanh lý lệnh long khiến giá Bitcoin giảm mạnh 14% xuống còn $8,600 trên sàn BitMEX chỉ trong 15 phút.
Spoofing
Spoofing từng xuất hiện trong các chu kỳ Bitcoin trước đây, ít phổ biến hơn một chút nhưng vẫn xảy ra trên các sàn giao dịch. Trong nền kinh tế cũ, kỹ thuật này từng được gọi là giả mạo orderbook. Đó là một chiến thuật mà kẻ thao túng sẽ đặt một một tập hợp các lệnh lớn mà không có ý định thực hiện, mục đích là tạo ra ảo tưởng về nhu cầu hoặc nguồn cung lớn trên thị trường.
Spoofing thường được thực hiện như sau:
- Đầu tiên, cá mập sẽ đặt một lượng lớn các lệnh (mua/bán) như là một hình thức thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường về một đồng coin nhằm tạo ra những sự ảo tưởng (có thể lạc quan hoặc bi quan) cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
- Khi giá bắt đầu có dấu hiệu thay đổi, các cá con sẽ nhận ra được làn sóng này. Tâm lý Fomo bắt đầu xuất hiện và họ sẽ nhanh chóng mua/bán dựa trên những tín hiệu giả mạo đó. Điều này vô tình đẩy giá đồng coin biến động như những gì cá mập mong muốn.
- Lúc này, cá mập sẽ huỷ toàn bộ các lệnh mua/bán lớn đã tạo trước đó. Đến khi các nhà đầu tư khác nhận ra điều này thì đã muộn rồi.
5. Dấu hiệu nhận biết thị trường đang bị thao túng
Theo dõi tỷ lệ giữa các lệnh Long/Short
Ở các sàn giao dịch, đặc biệt là sàn lớn và uy tín thường sẽ có một bảng thống kê khối lượng các lệnh Long và Short hiện có. Bằng này chúng ta sẽ có thể phát hiện ra cá mập như sau:
- Khi có một lệnh chờ mua cực lớn và bất thường xuất hiện trên thị trường, đó có thể là dấu hiệu hoạt động của cá mập và lệnh chờ mua này thường là mồi câu của họ.
- Các cá con thường sẽ có xu hướng hành động theo cá mập. Nên khi sổ lệnh có khối lượng mua lớn, bất thường và bị hủy sau một thời gian là dấu hiệu cho thấy cá mập đang muốn bán ra. Ngược lại với một lệnh chờ bán, nghĩa là họ đang có ý định mua vào.
Đánh giá thanh khoản của thị trường
Bạn có thể kiểm tra các sàn có khối lượng dịch giả bằng cách quan sát thanh khoản thông qua hình thức bán thử một ít tài sản trên nhiều sàn giao dịch khác nhau và đo lường tốc độ trượt giá của các tài sản trên các sàn đó.
Sàn giao dịch nào thao túng dữ liệu của mình ở mức độ lớn sẽ trượt giá rất nhanh, biểu thị bằng mức giảm giá lớn hơn và order book không ổn định. Điều này có nghĩa là khối lượng giao dịch của họ là ảo và bị thổi phồng vì chỉ một khối lượng bán nhỏ đã đủ để làm mất ổn định order book.
Xuất hiện nhiều tin đồn xoay quanh một đồng coin nào đó
Toàn bộ thị trường tiền điện tử chứa đựng quá nhiều những thông tin rác và không phải thông tin nào cũng có giá trị. Nếu bạn đột nhiên nhận thấy tin tức về một đồng coin nào đó, dù là tốt hay xấu.
Những tin này xuất hiện dày đặc trên các bài báo được trả tiền, các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, các hội nhóm facebook, twitter, telegram,… Trong khi bản thân dự án không có quá nhiều giá trị nội tại thì có thể đây chỉ là một chiêu trò thao túng thị trường của cá mập.
Theo dõi Whale Alert
Khi cá mập muốn giao dịch, họ chắc chắn phải chuyển một số tiền vào và ra khỏi sàn. Whale Alert được lập trình để phát hiện các lệnh chuyển tiền lớn xảy ra trong blockchain.
Bất kỳ giao dịch lớn nào liên quan đến các đồng coin top và stablecoin đều sẽ được Whale Alert ghi lại. Nếu bạn thấy Whale Alert thông báo rằng vừa có khá nhiều BTC từ một ví ẩn danh được chuyển lên một sàn giao dịch nào đó, đây có thể xem là dấu hiệu cá mập đang muốn bán ra.
6. Trader có thể làm gì để tránh bị tác động bởi thao túng thị trường
Hodl coin
Thao túng thị trường chủ yếu liên quan đến các trader ngắn hạn. Nếu bạn có kế hoạch hodl lâu dài, thì các biến động thị trường sẽ ít ảnh hưởng đến vị thế của bạn hơn. Vì tác động của chúng xảy ra nhanh chóng trước khi thị trường tự điều chỉnh.
Điều chỉnh stop loss
Đừng đặt stop loss tại các vùng tròn số như 6800, 6900, 6950, 7000,… Ngoài ra, đừng đặt stop loss gần các mức hỗ trợ – kháng cự quan trọng. Thực tế đây chính là nơi các cá mập săn stop loss. Hãy nghĩ rằng hỗ trợ – kháng cự là mức mà thị trường sẽ quay lại kiểm tra thay vì là mức mà giá không thể chạm đến.
Cuối cùng, hãy quan tâm tới tỉ lệ R:R (tỉ lệ Risk:Reward). Nếu stop loss của bạn quá gần, bạn sẽ có tỉ lệ R:R cao, thậm chí đôi khi còn cao hơn 2:1, rất dễ bị săn stoploss.
Ngược lại, nếu đặt stop loss quá xa, bạn sẽ không có được tỉ lệ R:R như ý. Vậy nên tốt nhất cân đối sao cho tỉ lệ R:R đạt được ít nhất 2:1 và không quá gần các điểm vào lệnh hay hỗ trợ kháng cự. Bạn có thể vào lệnh Long thấp hơn 1 chút, Short cao hơn 1 chút để tránh bị quét stop loss.
Cân bằng danh mục đầu tư
Đừng bỏ tất cả trứng vào một rổ. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng nên cân đối danh mục đầu tư của họ để đảm bảo nó bao gồm sự kết hợp của các loại tài sản tiền điện tử khác nhau. Trong trường hợp này, ngay cả khi một trong các đồng coin của bạn bị ảnh hưởng bởi sự thao túng thị trường, nó sẽ chỉ là một phần trong tổng số tài sản của bạn.
Đừng FOMO/FUD
Cốt lõi của tất cả mọi phương thức thao túng là đánh vào tâm lý dễ bị tác động của các nhà đầu tư mới. Khi chứng kiến một làn sóng trên thị trường, tâm lý FOMO/FUD có thể xuất hiện và họ dễ dàng chạy theo nó mà bỏ qua các tính toán và suy xét kỹ càng.
Vậy nên, trước khi vào hay thoát bất cứ lệnh nào, bạn hãy dừng lại suy nghĩ thật kỹ mọi cơ hội cũng như rủi ro có thể xảy ra. Đôi khi các con số trên thị trường chỉ là để che mắt các nhà đầu tư dễ bị tác động mà thôi. FOMO/FUD trong mù quáng có thể sẽ khiến chúng ta phải trả giá.
Chọn một sàn giao dịch đáng tin cậy và thanh khoản cao
Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn luôn giao dịch với một sàn giao dịch đáng tin cậy, có danh tiếng tốt và thanh khoản cao. Các sàn giao dịch mới hoặc sàn có ít hoạt động thương mại hơn dễ bị thị trường thao túng hơn.
7. Tổng kết
Đầu tư vào tiền điện tử là bạn đang đầu tư vào một loại tài sản có rủi ro cao xảy ra thao túng giá. Tuy nhiên, điều này chủ yếu dựa trên thực tế là tiền điện tử là một ngành công nghiệp mới non trẻ và chưa được quy định rõ ràng. Việc thao túng thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn khi công nghệ được cải thiện và các nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn.
Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là luôn trang bị đầy đủ kiến thức cho mình để nhận biết, tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro kể cả trong thị trường đang có nguy cơ bị thao túng.
Theo dõi tin tức mới nhất về Blockchain trên các kênh của XGems Capital
Lưu ý : Nội dung bài viết dựa trên phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu và là các quan điểm riêng của đội ngũ XGems Capital, bạn cần cẩn trọng khi đưa ra các quyết định đầu tư cá nhân. XGems Capital chúc bạn có những quyết định đầu tư đúng đắn và đạt được nhiều thành công.