Niki Hutchinson, 24 tuổi đến từ Tennessee, Mỹ làm việc trong ngành marketing, đã trở thành nạn nhân của một vụ “romance scam” vào năm ngoái. Cô quen một người đàn ông tên Hao làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quần áo trên một ứng dụng hẹn hò.
1. Bẫy hẹn hò qua mạng – “tiền một đêm”
Niki Hutchinson, 24 tuổi đến từ Tennessee, Mỹ làm việc trong ngành marketing, đã trở thành nạn nhân của một vụ “romance scam” vào năm ngoái. Cô quen một người đàn ông tên Hao làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quần áo trên một ứng dụng hẹn hò.
Hai người nhắn tin qua lại trên Whatsapp một tháng trời. Khi biết Niki vừa được thừa kế gần 300,000 USD từ việc bán nhà sau khi mẹ cô qua đời, Hao gợi ý cô nên đầu tư số tiền đó vào tiền điện tử.
“Anh muốn dạy em đầu tư vào tiền điện tử khi em rảnh, nó có thể mang lại thêm thu nhập và làm thay đổi cuộc sống của em,” Hao nhắn tin cho Niki, kèm theo ảnh chụp màn hình của sàn giao dịch.
Cuối cùng, cô đồng ý và gửi một lượng nhỏ tiền điện tử đến địa chỉ ví mà Hao đưa. Anh ta nói rằng địa chỉ ví này được kết nối với một tài khoản trên sàn giao dịch tiền điện tử có tên ICAC. Sau đó – khi số tiền xuất hiện trên trang web của ICAC – Niki đã gửi nhiều tiền hơn.
Cô không thể tin được mình có thể kiếm tiền dễ dàng như thế chỉ bằng cách làm theo lời khuyên của Hao. Cuối cùng, khi đã đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm, cô đi vay và tiếp tục đầu tư thêm.
Nhưng người đàn ông này không cố gắng giúp Niki đầu tư. Anh ta đang lôi kéo cô vào một kiểu lừa đảo tài chính ngày càng phổ biến, một trò scam kết hợp chiêu bài tình cảm lãng mạn cũ rích với sự cám dỗ mới toanh đến từ lời hứa “làm giàu sau một đêm” của tiền điện tử.
Vào tháng 12, khi cố gắng rút tiền từ tài khoản nhưng không thành công, Niki bắt đầu nghi ngờ. Một đại lý dịch vụ khách hàng của ICAC nói với cô rằng tài khoản của cô sẽ bị đóng băng trừ khi cô trả hàng trăm nghìn USD tiền thuế. Hao đã biến mất như bóng ma.
“Trời ơi, tôi đã làm gì thế này?” Niki bàng hoàng nói.
2. “Vỗ béo” tình cảm trước khi “mổ tiền”
“Romance scam” (lừa đảo tình cảm) – trò lừa đảo trên mạng liên quan đến việc “thả câu” tình cảm để lấy lòng tin của nạn nhân – đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Tiền điện tử cũng vậy. chính điều đó đã khiến loại tiền mới này trở thành mục tiêu của những tên tội phạm đang tìm cách “chia rẽ” các nạn nhân với tiền của mình.
Khoảng 56,000 vụ lừa đảo tình cảm, tổng thiệt hại lên tới 139 triệu USD, đã được báo cáo lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ vào năm ngoái. Con số này gần gấp đôi số báo cáo mà cơ quan này nhận được trong năm 2020.
Trong một bản tin vào mùa thu năm ngoái, văn phòng của Cục Điều tra Liên bang tại Oregon, Mỹ đã cảnh báo rằng lừa đảo tình cảm bằng tiền điện tử đang nổi lên như một loại tội phạm trên mạng tiêu biểu, với hơn 1,800 trường hợp được báo cáo trong bảy tháng đầu năm.
Các chuyên gia tin rằng kiểu lừa đảo đặc biệt này bắt nguồn từ Trung Quốc. Tên tiếng Trung của nó được dịch gần nghĩa là “mổ lợn” – ám chỉ cách các nạn nhân được “vỗ béo” tình cảm bằng những lời tâng bốc và lãng mạn trước khi bị lừa.
Jan Santiago, phó giám đốc Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho nạn nhân các vụ lừa đảo tiền điện tử qua mạng, cho biết rằng: không giống các trò lừa đảo tình cảm điển hình – thường nhắm mục tiêu những người lớn tuổi, ít hiểu biết về công nghệ – những kẻ lừa đảo này dường như đang theo đuổi những người trẻ hơn và những phụ nữ có học thức trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble và Hinge.
“Hầu hết những người thuộc thế hệ millennial (25-40 tuổi) là đối tượng bị lừa đảo,” ông Santiago nói.
Vào năm ngoái, Jane Lee, nhà nghiên cứu tại công ty phòng chống gian lận trên mạng Sift, đã bắt đầu xem xét các vụ lừa đảo tiền điện tử qua ứng dụng hẹn hò. Cô lập tài khoản trên một số ứng dụng hẹn hò phổ biến và nhanh chóng “match” với những người đàn ông cố gắng đưa ra lời khuyên đầu tư cho cô.
“Đại dịch khiến người ta cô đơn mà tiền điện tử thì lại đang nóng hơn bao giờ hết,” cô nói. “Hai yếu tố này kết hợp với nhau trở thành một trò scam cực kì thành công.”
Công ty của cô Lee đã hợp tác với một số ứng dụng hẹn hò để ngăn chặn các vụ scam này. Cô nói rằng những kẻ lừa đảo thường cố gắng chuyển cuộc trò chuyện từ ứng dụng hẹn hò sang WhatsApp – nơi các tin nhắn được mã hóa và khó bị các công ty hoặc cơ quan thực thi pháp luật theo dõi.
Từ đó, kẻ lừa đảo tấn công nạn nhân bằng những tin nhắn tán tỉnh cho đến khi đưa cuộc trò chuyện sang lĩnh vực tiền điện tử. Kẻ lừa đảo, đóng giả là một nhà giao dịch tiền điện tử thành công, đề nghị chỉ cho nạn nhân cách đầu tư tiền để thu được lợi nhuận nhanh chóng, ít rủi ro.
Sau đó, cô Lee cho biết, kẻ lừa đảo giúp nạn nhân mua tiền điện tử trên một trang web hợp pháp, như Coinbase hoặc Crypto.com và đưa ra hướng dẫn chuyển nó sang một sàn giao dịch tiền điện tử giả. Tiền của nạn nhân xuất hiện trên trang web của sàn giao dịch và người đó bắt đầu “đầu tư” vào các tài sản tiền điện tử, dưới sự hướng dẫn của kẻ lừa đảo, trước khi kẻ lừa đảo rút sạch tiền.
3. Tình tiền – Thật giả
Điều khiến trò lừa đảo đặc biệt này trở nên xảo quyệt là nó làm giả mọi thứ cực kì tinh vi. Một số nạn nhân nói rằng mình được chuyển hướng đến các trang web trông y như thật với các biểu đồ hiển thị giá nhiều loại tài sản tiền điện tử. Tên và địa chỉ của các sàn giao dịch giả mạo được thay đổi thường xuyên và nạn nhân thường được phép rút những khoản tiền nhỏ từ sớm, giúp họ an tâm tiếp tục gửi số tiền lớn hơn sau đó.
Tho Vu, 33 tuổi sống ở Mỹ, rơi đúng vào cái bẫy “giả như thật” đó. Trên ứng dụng hẹn hò, cô quen một người đàn ông tự xưng là Ze Zhao, đang làm việc trong bộ phận dịch vụ khách hàng cho một công ty bảo mật.
Ze Zhao nói rằng anh có thể giúp cô kiếm tiền bằng cách giao dịch Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Trong vòng vài tuần, cô Vu đã gửi số Bitcoin trị giá hơn 300,000 USD, gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời, đến một địa chỉ mà Zhao cung cấp. Anh ta nói địa chỉ được kết nối với một tài khoản trên sàn giao dịch tiền điện tử OSL của Hồng Kông.
Trang web có vẻ hợp pháp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng trực tuyến 24/7 và thậm chí được cập nhật để hiển thị số dư của cô thay đổi khi giá Bitcoin tăng và giảm.
Zhao đã hứa với Vu rằng các khoản đầu tư tiền điện tử sẽ giúp họ kết hôn và bắt đầu cuộc sống chung. “Chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn trên OSL và đi nghỉ tuần trăng mật,” anh nói.
Nhưng không có tuần trăng mật, cũng không có tiền điện tử. Thay vì chuyển vào tài khoản sàn giao dịch, tiền của cô Vu đã chảy thẳng vào ví kẻ lừa đảo, và anh ta biến mất.
“Kiểu scam này khá tốn công sức và thời gian,” ông Santiago, thuộc Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu nói. “Họ rất tỉ mỉ trong mánh khoé giao tiếp xã hội.”
Các chuyên gia cho biết, tiền điện tử đặc biệt hữu ích đối với những kẻ lừa đảo vì tính riêng tư tương đối của chúng. Các giao dịch Bitcoin được hiển thị công khai, nhưng vì ví kỹ thuật số có thể được thiết lập ẩn danh, nên những tên tội phạm có kỹ thuật tinh vi có thể che dấu vết tiền. Và bởi vì không có ngân hàng trung ương hoặc bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ nạn nhân, tiền bị đánh cắp thường không thể lấy lại được.
Cả Niki và Tho Vu đều không hy vọng lấy lại được tiền, nhưng họ mong những người khác sẽ thận trọng hơn với lời hứa giúp đầu tư vào tiền điện tử từ người lạ.
“Bạn nghe nhiều chuyện về những người trở thành triệu phú,” Niki nói. “Có cảm giác như, ồ, tiền điện tử đang là xu hướng mới và tôi cần phải ‘lên thuyền’.”