BUSD là một fiat-collateralized stablecoin được đảm bảo 1:1 bằng đô la Mỹ (USD). Stablecoin này được quản lý tập trung và vận hành theo cơ chế “buy back” nhằm duy trì sự ổn định giá trên thị trường. Hiện tại, ngoài USDT và USDC, BUSD là một trong những stablecoin được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thị trường crypto.
- 1. Sơ lược về BUSD
- 2. Bối cảnh hiện tại của BUSD
- Market Cap và khối lượng giao dịch tăng trưởng mạnh
- BUSD mở rộng theo chiều ngang
- Nguồn cung chủ yếu ở Ethereum và BSC
- BUSD được sử dụng thường xuyên
- 3. Hành trình phát triển của BUSD
- Tại sao Binance tạo ra BUSD?
- BUSD có giấy phép hoạt động và quỹ SAFU
- Các chương trình incentive ra mắt liên tục
- Binance niêm yết nhiều cặp giao dịch có BUSD
- BUSD được sử dụng ở đâu?
- 4. Động thái của Binance với BUSD và độ ảnh hưởng (2022)
- 5. Tổng kết
1. Sơ lược về BUSD
BUSD là một fiat-collateralized stablecoin được đảm bảo 1:1 bằng đô la Mỹ (USD). Stablecoin này được quản lý tập trung và vận hành theo cơ chế “buy back” nhằm duy trì sự ổn định giá trên thị trường. Hiện tại, ngoài USDT và USDC, BUSD là một trong những stablecoin được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thị trường crypto.
2. Bối cảnh hiện tại của BUSD
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tình hình hiện tại của BUSD (thời điểm tháng 10/2022) và những con số nó đạt được.
Market Cap và khối lượng giao dịch tăng trưởng mạnh
BUSD có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Cụ thể, market cap của BUSD đạt 15 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng 10 lần so với đầu năm. Khối lượng giao dịch và market cap của nó tăng liên tục từ cuối năm 2020 tới giữa năm 2021. Tháng 5/2021, tổng khối lượng giao dịch của BUSD đạt ATH gần 280 tỷ USD.
Từ đầu năm 2022, market cap của BUSD tiếp tục tăng lên 20 tỷ USD nhưng khối lượng giao dịch của nó lại giảm. Tổng khối lượng giao dịch vào tháng 9/2022 của BUSD cao hơn nhiều tháng trước, có thể đây là một dấu hiệu tốt cho stablecoin này.
Khi so sánh market cap của BNB và BUSD, có thể thấy hai token được Binance hỗ trợ này có sự tăng trưởng vượt bậc. BNB đại diện cho mảnh ghép hệ sinh thái BNB Smart Chain và BUSD đại diện cho mảnh ghép stablecoin giúp gia tăng thanh khoản và khả năng mở rộng cho hệ sinh thái.
Trong năm 2021, BNB và BUSD có sự tăng trưởng nóng, market cap của BUSD tăng từ 1 tỷ USD lên gần 15 tỷ USD (~1,500%), trong khi đó market cap của BNB tăng từ 5.5 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD (~1,800%).
⇒ Trong năm 2021, BUSD đạt được những thành công nhất định: tăng trưởng về market cap và khối lượng giao dịch. Nó cũng có cùng tốc độ tăng trưởng với toàn hệ sinh thái Binance và BSC.
BUSD mở rộng theo chiều ngang
Dù mới ra mắt vào năm 2019, BUSD hiện tại đang đứng trong top 10 crypto có market cap lớn nhất thị trường – cùng với USDT (ra mắt năm 2014) và USDC (ra mắt năm 2018). Tuy nhiên, market cap hiện tại của BUSD là 21 tỷ USD, thấp hơn so với USDT (68 tỷ USD) và USDC (48 tỷ USD).
Theo dữ liệu từ DefiLlama, BUSD hiện có mặt trên khoảng 33 blockchain, trong khi đó con số này ở USDT là 60 và USDC là 58. Do đó, vẫn còn nhiều chỗ cho BUSD mở rộng thêm sức ảnh hưởng.
Theo dữ liệu từ Coingecko, BUSD đang được giao dịch tại khoảng 117 sàn crypto, trong khi đó con số này ở USDT và USDC đang gấp 2 lần. Có thể thấy, BUSD chưa được sử dụng quá rộng rãi như hai đối thủ còn lại.
Nguồn cung chủ yếu ở Ethereum và BSC
Hiện tại, market cap của BUSD vào khoảng 21 tỷ USD, tập trung chủ yếu trên mạng Ethereum (16.2 tỷ USD) và BNB Smart Chain (4.74 tỷ USD).
- Riêng blockchain Ethereum và BSC đã chiếm hơn 99% tổng cung của BUSD.
- Các blockchain khác như Kava (KAVA), Solana (SOL) và Astar (ASTR) chỉ có vài triệu BUSD, chủ yếu được người dùng bridge qua từ Ethereum hoặc BSC qua.
BUSD vẫn được phát hành thêm trên Ethereum, trong khi đó từ tháng 5/2022, lượng BUSD trên BSC vẫn duy trì ở mức khoảng 5 tỷ. Binance tạo ra BUSD với mục đích thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái BNB Smart Chain và tạo vị thế để mở rộng sức ảnh hưởng của mình lên toàn thị trường crypto.
Do đó, Binance có thể tạo ra thêm BUSD để phục vụ nhu cầu của thị trường cũng như để cạnh tranh thị phần với các stablecoin khác
BUSD được sử dụng thường xuyên
2021 là một năm phát triển vượt bậc của BUSD khi có gần 400,000 ví tham gia giao dịch BUSD vào giai đoạn tháng 11/2021 – thời điểm này trùng với thời gian Bitcoin đạt ATH ở 60,000 USD. So với đầu năm 2021, hiện tại con số này đã tăng khoảng 130 lần, đạt khoảng 3,100 ví. Có thể thấy, BUSD đã thu hút thành công một lượng lớn người tham gia trong giai đoạn thị trường crypto tăng trưởng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2022, số lượng ví giao dịch BUSD giảm dần, nằm quanh mốc trên 100,000 ví. Nhu cầu sử dụng BUSD đã giảm mạnh trong xu hướng giảm của thị trường, nhưng con số hiện tại đang ngang với giai đoạn tháng 5/2021. Do vậy, có thể thấy BUSD vẫn đang giữ được traction tốt.
⇒ Nhìn chung, BUSD đạt được những con số phát triển ấn tượng và tiếp tục giữ vững lượng người dùng trong xu hướng giảm của thị trường.
Vậy những yếu tố nào đã giúp BUSD đạt được những con số này? Hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
3. Hành trình phát triển của BUSD
Tại sao Binance tạo ra BUSD?
BUSD bắt đầu lưu hành vào tháng 9/2019, gần 2 năm sau khi giá Bitcoin đạt đỉnh 20,000 USD vào 2017-2018. Lúc đó, thị trường stablecoin đã tồn tại USDT, USDC, TUSD và USDP, nên việc xuất hiện thêm một stablecoin như BUSD không gây quá bất ngờ.
Hơn nữa, thời điểm đó về mảng stablecoin thị trường chưa xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh (mới có 4-5 stablecoin, so với hiện tại hơn 20 stablecoin khác nhau), nên việc BUSD ra mắt không gặp nhiều trở ngại. Với bối cảnh trên và tầm nhìn của Changpeng Zhao (CZ) – người sáng lập Binance, BUSD được tung ra thị trường.
BUSD sử dụng tiền pháp định làm bảo chứng vàđại diện cho hệ sinh thái Binance và BNB Chain. Đây là bước tạo đà rất tốt khi mảnh ghép BUSD được ráp vào toàn hệ sinh thái.
Khi Binance và BSC tăng trưởng, BUSD cũng tăng trưởng theo, và việc stablecoin này tăng trưởng sẽ đem lại thanh khoản, khả năng mở rộng cũng như tính ổn định cho toàn hệ sinh thái.
Nhìn vào thị trường tài chính truyền thống, có thể thấy đồng USD đã mang cho Mỹ lợi thế thống trị, nó có sức ảnh hưởng đến mọi nơi trên thế giới. Có hơn 139 quốc gia (Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, khối EU…) đang giữ USD trong dự trữ ngoại hối.
Nếu BUSD có vị thế là stablecoin được sử dụng phổ biến nhất thì Binance và BNB Chain sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trước các đối thủ khác. Với lợi ích to lớn như vậy, “ông lớn” Binance không thể nào đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, hiện tại market cap của BUSD đứng sau USDT và USDC nên đội ngũ của BUSD sẽ gặp nhiều thử thách phía trước.
BUSD có giấy phép hoạt động và quỹ SAFU
BUSD được phát hành vào tháng 9/2019 qua Paxos, một công ty chuyên phát hành stablecoin có trụ sở tại Mỹ và có giấy phép từ New York State Department of Financial Services (NYDFS).
NYDFS rất quan tâm về stablecoin và từng đưa ra các tiêu chí phải có của một stablecoin, đại diện NYDFS phát biểug: “Stablecoin phải được bảo đảm bảo 100% và có tính minh bạch”. Do đó, việc BUSD được NYDFS cho phép phát hành stablecoin ngay từ đầu đã tạo ra những tiền đề tốt giúp Binance hạn chế những rủi ro về pháp lý.
Năm 2018, Binance cho ra mắt quỹ bảo đảm an toàn tài sản cho người dùng (Secure Asset Fund for Users – SAFU) và sẽ trích 10% phí giao dịch vào quỹ này. Đến tháng 2/2022, theo công bố của Binance, tổng giá trị tài sản của SAFU vào khoảng 1 tỷ USD, bao gồm BUSD, BNB và BTC. Do đó, có thể thấy BUSD là một thành tố quan trọng trong việc phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn của hệ sinh thái Binance.
Sau khi phát hành stablecoin BUSD, Binance đề ra chiến lược gì để giúp đưa BUSD đến gần hơn với cộng đồng crypto? Hãy cùng tìm hiểu ở phần sau.
Các chương trình incentive ra mắt liên tục
Binance sử dụng BUSD là phần thưởng chính cho các chương trình incentive như giveaway, trading competition, vouncher, airdrop… Giải thưởng có thể dao động từ vài BUSD cho đến 1 triệu BUSD. Khi người dùng nhận thưởng bằng BUSD, họ sẽ có nhu cầu sử dụng nó để tham gia các hoạt động khác, từ đó, BUSD được giao dịch liên tục và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái.
Cùng điểm qua số lượng incentive của Binance với giải thưởng BUSD qua các năm:
- 2020: 20 chương trình
- 2021: 50 chương trình
- 3 quý đầu năm 2022: 60 chương trình
Có thể thấy các chương trình incentive tăng về số lượng qua các năm. Binance không quá ồ ạt tung incentive nhằm bootstrap BUSD từ khi nó được ra mắt vào năm 2019, mà sử dụng incentive tăng dần qua các năm. Binance ngày càng chi mạnh tay cho các chương trình dùng phần thưởng BUSD để thu hút người dùng và gia tăng độ ảnh hưởng của BUSD trong thế giới crypto.
Các chương trình incentive BUSD đã góp phần mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, số chương trình incentive từ đầu năm 2022 có xu hướng tăng, trong tháng Một có 5 chương trình, tháng Chín có khoảng 11 chương trình. Khối lượng giao dịch BUSD cũng tăng đồng pha với số lượng incentive BUSD được Binance tung ra. Do đó, có thể thấy các chiến lược incentive của Binance đang đạt hiệu quả.
⇒ Binance tạo ra incentive BUSD cho người dùng để thúc đẩy việc sử dụng BUSD và các sản phẩm khác trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, những incentive này được đưa ra hợp lý giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới sản phẩm của Binance.
Binance niêm yết nhiều cặp giao dịch có BUSD
Kể từ khi ra mắt BUSD vào cuối năm 2019, Binance bắt đầu niêm yết các cặp giao dịch có BUSD làm đối ứng, ví dụ ETHBUSD. Hiện tại, đã có hơn 90 crypto cặp với BUSD làm cặp giao dịch trên nền tảng Binance, con số này đang có dấu hiệu tăng khi nhu cầu tăng và thị trường xuất hiện nhiều loại crypto mới.
Từ khi ra mắt, Binance liên tục niêm yết các cặp giao dịch có BUSD. Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, Binance thường xuyên niêm yết 1-3 cặp giao dịch có BUSD.
Từ giữa năm 2022, Binance niêm yết nhiều cặp giao dịch hơn trong một lần công bố. Cụ thể, ngày 26/5, Binance niêm yết 6 cặp gồm: AKRO/BUSD, CVC/BUSD, DREP/BUSD, PUNDIX/BUSD, REI/BUSD và STEEM/BUSD.
Có thể thấy, Binance đang muốn BUSD được giao dịch trực tiếp nhiều hơn, từ đó, gia tăng thói quen sử dụng BUSD của người dùng.
BUSD được sử dụng ở đâu?
BUSD đã tồn tại trong thị trường khoảng hơn 3 năm và đạt được những con số ấn tượng. Trong phần này, hãy cùng phân tích tình hình hoạt động của BUSD trong thời gian qua.
BUSD đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường crypto.
- Wallet: BUSD được nhiều ví crypto hỗ trợ và được một lượng lớn người dùng lưu trữ, trao đổi và sử dụng.
- Platforms/Services: Người sở hữu BUSD có thể sử dụng các dịch vụ như staking hay tham gia launchpad của Binance. Ngoài ra, BUSD được chấp nhận làm phương thức thanh toán cho dịch vụ của các công ty như Travala, Bitpay…
- DeFi space: Bên cạnh việc sử dụng dịch vụ của các công ty tập trung, người dùng BUSD có thể tham gia vào nhiều giao thức phi tập trung trên mạng Ethereum, BNB…
Theo như hình trên, người dùng có thể sử dụng BUSD tại hơn 140 công ty tập trung lẫn dự án phi tập trung. Ngoài ra, với tốc độ phát triển của toàn thị trường crypto, nếu stablecoin này thỏa mãn được nhu cầu người dùng, nó sẽ có thể được bổ sung thêm nhiều ứng dụng mới.
Backer lớn nhất của BUSD là Binance, BUSD cũng là stablecoin lớn nhất trên mạng BNB Chain, blockchain lớn thứ 3 thị trường về market cap, vì thế BUSD sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong tương lai.
4. Động thái của Binance với BUSD và độ ảnh hưởng (2022)
Những tin tức tích cực cho BUSD trong năm 2022:
- Tháng 3: Paxos có giấy phép phát hành stablecoin tại Singapore.
- Tháng 4: Coinbase hỗ trợ BUSD và đây là tài sản có giao dịch nhiều nhất thứ 5 trên nền tảng này. Bất chấp việc là đối thủ của Binance, Coinbase đã chấp nhận BUSD, đây là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của BUSD.
- Ngày 6/9: Binance có cơ chế tự động chuyển USDC, USDP, và TUSD thành stablecoin BUSD với tỷ lệ 1:1.
- Ngày 19/9: Binance hỗ trợ nạp rút BUSD trên mạng Avalanche và Polygon.
- Ngày 20/9: WazirX ngừng hỗ trợ USDC, USDP và TUSD, gián tiếp ủng hộ BUSD.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu sâu về các sự kiện diễn ra gần đây liên quan đến BUSD.
Ngày 6/9, Binance thông báo tính năng auto-convert USDC, USDP, và TUSD thành stablecoin BUSD với tỷ lệ 1:1 (chi tiết tại đây). Sàn giao dịch crypto tập trung lớn nhất thị trường đã tận dụng lợi thế của mình để hạn chế các stablecoin đối thủ và mở đường cho BUSD.
Vậy là trên Binance chỉ còn tồn tại hai stablecoin lớn là USDT và BUSD. Trong tương lai, Binance có thể ngừng hỗ trợ USDT để tiếp tục nâng vị thế BUSD.
Ngày 20/9, sàn giao dịch crypto tại Ấn Độ, WazirX, đã ngừng hỗ trợ 3 stablecoin gồm USDC, USDP và TUSD, cùng lúc, các tài sản stablecoin trên sẽ được tự động chuyển qua BUSD. Điều này trực tiếp làm tăng sức ảnh hưởng của stablecoin BUSD tại Ấn Độ.
WazirX có bước đi giống Binance khi ngừng hỗ trợ các stablecoin khác nhằm củng cố vị thế của BUSD. Vì trước đó vào tháng 3/2020, Binance Labs đã đầu tư 50 triệu USD vào WazirX nên Binance ít nhiều có khả năng ảnh hưởng đến quyết định gần đây của WazirX.
⇒ Những động thái gần đây của Binance và WazirX đã đem lại lợi thế lớn cho stablecoin BUSD tại hệ sinh thái Binance. Binance đang dần đầu mảng CEX nên họ dần dần loại bỏ những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với BUSD, từ đó giúp stablecoin này ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Ngày 19/9, Binance thông báo sẽ hỗ trợ nạp rút BUSD trên blockchain Polygon (MATIC) và Avalanche (AVAX) (chi tiết tại đây). Trước đó, chỉ có mạng BNB Chain và Ethereum được hỗ trợ nạp rút BUSD trên sàn Binance. Động thái này của Binance nhằm ủng hộ tương lai cross-chain của BUSD.
Các đối thủ trực tiếp của BUSD là USDT và USDC cũng đang mở rộng sang các blockchain khác. Gần đây, USDC mở rộng sang 5 blockchain mới gồm Arbitrum, Cosmos, Near Protocol, Optimism và Polkadot, trong khi USDT mở rộng sang Near Protocol và Polkadot. Điều này cho thấy cuộc đua cross-chain đang diễn ra.
Ngoài được 4 blockchain trên hỗ trợ, BUSD còn đi tới các blockchain khác bằng bridge. Nhưng việc di chuyển qua bridge tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường từng có nhiều vụ hack bridge gây thiệt hại hàng trăm triệu USD như vụ hack Ronin, Wormhole… Do đó, việc BUSD có mặt trên Avalanche và Polygon sẽ giải quyết nhu cầu của người dùng và hạn chế rủi ro cross-chain.
Vậy những động thái trên mang lại lợi ích gì cho BUSD?
Lượng BUSD trên các sàn tập trung tăng cao, trong khi lượng USDT và USDC giảm dần. Cụ thể, từ đầu năm 2022, số lượng BUSD trên các CEX tăng từ 10 tỷ USD lên 15 tỷ USD. Cùng lúc đó, số lượng USDT chỉ nằm quanh mốc dưới 10 tỷ USD và thời gian gần đây đang có dấu hiệu giảm. Số lượng USDC trên các sàn giảm từ trên 5 tỷ USD xuống còn khoảng 2.5 tỷ USD, tức là giảm khoảng 50%.
Hiện tại, khối lượng giao dịch spot của DEX chỉ chiếm khoảng 15-20% CEX, theo Coingecko. Do đó, nếu BUSD áp đảo CEX thì BUSD của Binance sẽ được tham gia nhiều giao dịch hơn.
Với xu hướng như vậy, có khả năng trong tương lai BUSD sẽ được “đẩy” lên nhiều sàn hơn khiến vị thế của USDT và USDC bị lung lay. Chiến lược của Binance đã thúc đẩy sự hiện diện của BUSD trên các sàn tập trung và hạn chế sức ảnh hưởng của USDT và USDC.
5. Tổng kết
Binance thành công đưa stablecoin BUSD vào thị trường và đạt được những con số ấn tượng, tạo vị thế cạnh tranh cho BUSD trong mảng stablecoin. Hơn nữa, CZ và Binance cũng có những chiến lược mạnh tay với các stablecoin khác nhằm mở rộng thị phần phát triển của BUSD. Trong tương lai, nếu BUSD phát triển mạnh thì nó sẽ trở thành đầu tàu cho sự phát triển của Binance và BNB Chain.