Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tất tần tật về ví tiền điện tử – loại ví dùng để lưu trữ các loại tiền điện tử (coin & token). Đây là một thành phần cực kì quan trọng trong quá trình giao dịch Crypto, nơi giúp anh em lưu trữ tài sản, gửi và nhận tài sản của mình.
1. Ví tiền điện tử là gì?
Ví tiền điện tử là một phần mềm giúp lưu trữ, gửi, nhận và theo dõi số dư các đồng tiền điện tử như coin/token bên trong đó. Hiểu đơn giản thì ví tiền điện tử cũng giống như một tài khoản ngân hàng. Điểm khác biệt chính là ví này có tính bảo mật cao hơn nhờ cơ chế mã hóa thông tin, không định danh người sở hữu ví và tiền lưu trữ trong ví là tiền điện tử.
2. Cách thành phần của Ví tiền điện tử
Khi tạo một ví tiền điện tử, anh em có được cung cấp 3 đoạn mã, tương ứng với 3 thành phần: Address, Private Key, Passphrase
Address – Địa chỉ ví
Address (địa chỉ ví hay còn gọi là Public Key) là chuỗi ngẫu nhiên các ký tự gồm chữ và số. Địa chỉ ví cũng giống như số tài khoản ngân hàng, khi ai đó gửi tiền điện tử vào ví của anh em, họ sẽ gửi vào địa chỉ ví này.
Public Key được coi như địa chỉ định danh của người dùng trên mạng lưới blockchain và tương ứng với địa chỉ ví (Address).
Địa chỉ ví của các Blockchain khác nhau sẽ có một số cấu tạo khác nhau. Ví dụ như Binance Smart Chain và Ethereum đều là EVM Compatible, nên sẽ bắt đầu bằng 0x…, nhưng với Solana hay BTC sẽ là một chuỗi ký tự ngẫu nhiên.
Ví dụ về địa chỉ ví: TPza8tkcTfGa4XzyZoMbGEjpuyaBUJBsN9
Private Key – Khóa cá nhân
Private Key (hay còn gọi là khoá cá nhân) cũng là chuỗi ngẫu nhiên các ký tự gồm số và chữ để kết nối với ví.
Nếu như Địa chỉ ví được ví là số tài khoản ngân hàng, thì Private Key sẽ được xem là mật khẩu để anh em đăng nhập vào ví. Điểm khác biệt ở đây chính là mật khẩu ngân hàng có thể thay đổi được, còn Private Key thì không.
Khi thiết lập ví trên bất cứ nền tảng nào, bạn cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ lại Private Key, do đó hãy lưu trữ nó thật cẩn thận, vì đây là chìa khóa duy nhất giúp bạn truy cập vào ví tiền điện tử của mình.
Khác với Address, Private Key sẽ không có bất kỳ cấu trúc nào, mà chỉ là chuỗi các ký tự không theo quy luật, dù có cùng cấu trúc Blockchain hay không.
Ví dụ về Private Key: 5Kb8kLf9zgWQnogidDA76MzPL6TsZZY36hWXMssSzNydYXYB9KF
Lưu ý quan trọng:
- Bảo vệ và không tiết lộ mã private key cho bất kỳ ai, khuyến khích nên viết ra giấy và cất ở nơi an toàn.
- Làm mất Private Key thì coi như mất tiền vĩnh viễn.
Passphrase
Passphrase cũng là một dạng khóa cá nhân, bao gồm 12 hoặc 24 từ tiếng anh ngẫu nhiên, tuy nhiên tùy thuộc vào cơ chế giải mã ở các ví khác nhau, passphrase sẽ cho địa chỉ ví khác nhau.
Ví dụ về Passphrase: convince between inside solve into slam labor warfare demand song october tram.
Với cùng một Passphrase như trên, nhưng:
- Khi dùng Trust wallet sẽ ra địa chỉ ví này: TPza8tkcTfGa4XzyZoMbGEjpuyaBUJBsN9
- Khi dùng Coin98 Wallet sẽ ra địa chỉ ví này: PLza5cklTfGa4XzyZoMbGEjpuyjshfkHFHS9N9
Vì 2 ví có cơ chế giải mã khác nhau nên sẽ cho ra địa chỉ ví khác nhau, nên anh em phải nhớ Passphrase của mình được tạo ra từ ví nào. Lời khuyên dành cho anh em là anh em nên lưu trữ cả passphrase và private key để phòng mọi tình huống có thể xảy ra.
Để giải quyết sự phức tạp trên, một số ví đã được lập trình để có thể giải mã Passphrase đúng với một ví khác. Điển hình là Coin89 Wallet, anh em khi nhập Passphrase của ví Sollet trên Solana vào, vẫn có thể truy xuất được đúng địa chỉ ví của Sollet mà không phải tạo ra ví mới.
Tuy nhiên, để giải quyết được việc này đòi hỏi phải biết được cách hoạt động của các ví khác, nên không dễ để cập nhật được.
Tìm hiểu thêm: Private Key & Passphrase là gì? Cách lưu trữ Private Key & Passphrase an toàn, bảo mật nhất dành cho người mới
3. Cách hoạt động của ví tiền điện tử
Khi tạo địa chỉ ví trên blockchain, anh em sẽ nhận được hai key gồm Address và Private Key. Để anh em dễ hình dung:
Address như là địa chỉ email, còn Private Key như mật khẩu của email vậy. Còn các thư email tương ứng với tiền hay dữ liệu bên trong đó.
Anh em nhận mail từ người khác thì có thể thông báo cho họ địa chỉ email của mình. Bất kỳ ai có địa chỉ email này đều có thể gửi mail tới anh em.
Và cũng như email, nếu mật khẩu bị tiết lộ cho ai thì người đó có thể truy cập vào email của anh em và thực hiện gửi mail đi (chuyển tiền ra ngoài). Nên việc giữ Private Key là điều hết sức quan trọng.
Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo đang dần phổ biến hơn. Đối với người cũ thì không sao, nhưng những người mới vào thị trường này không nắm rõ được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trên, nên thường dễ bị lừa gạt mất hết tiền.
Anh em lưu ý: Không để lộ Private Key hay Passphrase cho bất cứ ai, dù đó là admin của bất kỳ hội nhóm nào. Nếu là admin thật, họ sẽ không bao giờ đòi hỏi anh em cung cấp Private Key hoặc Passphrase (Address thì có thể để kiểm tra hỗ trợ).
Tìm hiểu: Các chiêu trò lừa đảo scam trong crypto & cách phòng tránh
4. Các loại ví tiền điện tử
Theo mức độ kiểm soát tài sản
1. Centralized Wallet – Ví tập trung
Khi anh em tham gia giao dịch trên sàn giao dịch tiền điện tử tập trung như Binance, Kucoin,… anh em sẽ tạo một tài khoản trade ở trên sàn, trong tài khoản ấy, sàn đã tạo ví cho tất cả coin/token có niêm yết trên sàn. Anh em chỉ việc chọn đúng đồng coin/token anh em muốn nạp vào, rồi copy địa chỉ ví và gửi tiền vào.
Ví dụ: Trên sàn binance, anh em chỉ cần vào Ví (Wallet) ⇒ Fiat và Spot ⇒ Chọn đồng coin/token cần nạp/ rút tiền và thực hiện lệnh. Trong trường hợp ví này, anh em không cần lưu private key mà chỉ cần nhớ mật khẩu tài khoản sàn là được.
Ưu điểm: Không phải mất công tạo ví, chỉ cần tạo tài khoản.
Nhược điểm:
- Mức độ bảo mật không cao bằng ví phi tập trung.
- Tài sản của bạn sẽ bị sàn kiểm soát 100%.
- Rủi ro từ bên thứ 3 (sàn) nếu có vấn đề xảy ra.
2. Decentralized wallet (Ví phi tập trung)
Ví nóng: Là loại ví có thể giao dịch bất cứ khi nào anh em muốn thông qua kết nối internet.
- Ưu điểm: Miễn phí, đa dạng lựa chọn hơn và có thể kết nối qua App điện thoại hoặc Tiện ích mở rộng trên trình duyệt.
- Nhược điểm: Dễ bị hack hơn so với ví lạnh vì dữ liệu về Private Key được lưu trữ ngay trong App hoặc Extension và luôn luôn kết nối mạng nên hacker dễ tấn công.
Ví lạnh: Thường ở dạng giống USB, và hoạt động tương tự như tài khoản ngân hàng của anh em, nó tự động nhận tiền khi có người gửi cho anh em mà không cần phải kết nối internet tuy nhiên nếu muốn kiểm tra biến động số dư anh em cần kết nối ví lạnh với internet giống như internet banking.
- Ưu điểm: Mức độ bảo mật cao hơn.
- Nhược điểm: Giá thành cao & thiếu tính linh hoạt.
Theo số lượng nền tảng hỗ trợ
Multiple chain: Hay còn gọi là Ví đa chuỗi, có thể hỗ trợ nhiều tài sản kỹ thuật số blockchain khác nhau cùng một lúc. Ví đa chuỗi dễ quản lý tài sản crypto hơn vì chỉ cần lưu trữ 1 passphrase cho nhiều ví.
Ví dụ: Ví Coin98 hỗ trợ lưu trữ coin/token của nhiều Blockchain khác nhau: Bitcoin, Ethereum, TomoChain, Binance Chain, TRON, Solana, Celo, Binance Smart Chain, Polkdot, Near, Kusama, Huobi Eco Chain, Avalanche…
Single chain: Hay còn gọi là ví đơn chuỗi, chỉ có thể lưu trữ, gửi và nhận coin hoặc token của một blockchain cụ thể. Tính bảo mật hơn so với ví đa chuỗi.
Ví dụ: ví Bitcoin Core chính thức của Bitcoin, chỉ hỗ trợ lưu trữ và giao dịch BTC.
5. Top các ví tiền điện tử tốt nhất 2021
Ví sàn
Ví sàn Binance: Một trong những sàn phổ biến nhất hiện tại, hiện hỗ trợ khá nhiều chuẩn phổ biến như ERC-20, TRC-20,… và cả BEP-20 (Binance Smart Chain) cực phổ biến mà không nhiều sàn hỗ trợ.
Ví sàn FTX: Sàn giao dịch được thành lập vào 2019, ngoài các chuẩn phổ thông như ERC-20, TRC-20, FTX được biết đến như sàn hỗ trợ tốt nhất cho tất cả token của hệ sinh thái Solana, nên nếu anh em muốn lưu trữ token chuẩn SPL của Solana, FTX là nơi không thể tuyệt vời hơn
Ví sàn Kucoin: Không tính những chuẩn phổ biến, thì Kucoin được xem như sàn hỗ trợ sớm nhất chuẩn token của Terra và Celo.
Ví trữ nóng
Ví Coin98: Hỗ trợ trên 20 chains, luôn cập nhật các chain hot nhất theo xu thế, nên anh em yên tâm là gần như token nào cũng có thể lưu trữ được ở Coin98 Wallet. Ngoài ra, ví còn tích hợp các DEX phổ biến để có thể mua bán trực tiếp trên ví, giúp anh em giảm bớt thao tác khi giao dịch.
Ví Trust: Một trong những ví ra đời khá sớm, được nhiều anh em sử dụng. Tuy nhiên không hỗ trợ quá nhiều chuẩn token.
Ví Metamask: Metamask nổi tiếng với Extension trên trình duyệt, được tích hợp với gần như tất cả dapp của Crypto. Điểm trừ của Metamask nằm ở việc không lưu trữ được đa dạng chuẩn.
Ví trữ lạnh
Ví trữ lạnh mình sẽ nói về hai đại diện: Ví Ledger và Ví Trezor. Ngoại trừ việc khác nhau về chất liệu làm ra ví (Trezor làm bằng nhựa, Ledger làm bằng kim loại), và hỗ trợ hơi khác nhau một chút về tài sản, thì các thứ còn lại không có nhiều điểm khác biệt.
6. Tổng kết
Bài viết đã cho anh em thấy toàn cảnh về ví tiền điện tử, bây giờ anh em có thể tự mình lựa chọn một ví crypto phù hợp nhất để có thể tiến hành giao dịch và dễ dàng lưu trữ, gửi và nhận tài sản crypto rồi.